Thực thi kỷ luật để tăng cường sức mạnh trong Đảng

(VOV5) -  Kỷ luật là  yếu tố quan trọng, bảo đảm cho sự tồn tại, hoạt động và phát triển của Đảng cộng sản Việt Nam trong chặng đường phát triển hơn 80 năm qua.


Trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, khi Đảng cộng sản Việt Nam tự đổi mới, tự chỉnh đốn, thực thi kỷ luật trong Đảng để bảo đảm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức thì vấn đề này ngày càng được coi trọng và tăng cường. 

Thực thi kỷ luật để tăng cường sức mạnh trong Đảng  - ảnh 1
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Ảnh: Internet



Kỷ luật của Đảng là kỷ luật dựa trên tình đồng chí, kỷ luật của những người cùng chung một lý tưởng, tự nguyện đứng trong hàng ngũ Đảng, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc. Mọi đảng viên và tổ chức Đảng liên kết với nhau theo một kỷ luật chung dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, sự thống nhất chặt chẽ về chính trị, tư tưởng và tổ chức, được thể hiện tập trung trong các điều khoản của Điều lệ Đảng. Kỷ luật đó xuất phát từ ý chí của toàn Đảng nhằm bảo đảm cho sự thống nhất, tập trung cao trong Đảng, đồng thời để phát huy dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của toàn thể đảng viên và các tổ chức đảng.

 

Củng cố và tăng cường kỷ luật Đảng là nhiệm vụ thường xuyên

Kỷ luật Đảng không chỉ đòi hỏi tính tự giác mà còn mang tính bắt buộc. Đối với mọi đảng viên cộng sản, khi nào và ở đâu cũng phải chịu sự phân công, quản lý của tổ chức đảng, phải hành động theo phạm vi kỷ luật của tổ chức. Củng cố và tăng cường kỷ luật Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của mọi đảng viên và mọi tổ chức Đảng. Tăng cường kỷ luật Đảng là để nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cho rằng: “Kỷ luật của Đảng thì mọi đảng viên phải chấp hành, không có miễn trừ bất cứ ai giữ cương vị gì trong Đảng, từ người cao nhất đến đảng viên bình thường đều phải chấp hành. Cho nên sự gương mẫu của người đứng đầu tổ chức Đảng là rất quan trọng để mọi đảng viên, quần chúng noi theo”.

 

Để bảo đảm kỷ luật được chặt chẽ, tự giác phải mở rộng, tăng cường dân chủ trong Đảng. Hai mặt dân chủ và kỷ luật trong Đảng phải luôn luôn đi đôi với nhau. Có mở rộng và tăng cường dân chủ trong Đảng thì mới bảo đảm được kỷ luật và có bảo đảm được kỷ luật thì mới tăng cường được dân chủ.

 

Đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản khóa 12 đã chỉ ra 27 biểu hiện có liên quan đến suy thoái, tự diễn biến trong một số cán bộ đảng viên. Đây là vấn đề hết sức quan trọng liên quan đến sự tồn vong của Đảng, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với đất nước. Nghị quyết đồng thời chỉ ra nhiều giải pháp để đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tăng cường kỷ luật trong Đảng, từ đó tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng mọi đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đều phải có kế hoạch hành động để thực hiện Nghị quyết này thật tốt. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh: “Trước hết phải phát huy nguyên tắc dân chủ của Đảng, phải phát huy tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách, phải nâng cao tính chiến đấu của đảng viên, đặc biệt sinh hoạt ở chi bộ cơ sở, là cầu nối giữa đảng và nhân dân để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, quản lý đảng viên. Đồng thời, đối với đảng viên thì phải tự giác, trung thực và thực hiện đúng nghĩa vụ của đảng viên và lời hứa trước đảng, phục vụ nhân dân, chiến đấu bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước, xây dựng tổ quốc đến hơi thở cuối cùng”.


Kỷ luật là sức mạnh của Đảng. Đảng viên trung thành với Đảng bởi có kỷ luật. Các tổ chức của Đảng mà mạnh thì toàn Đảng mới mạnh. Thực hiện kỷ cương của Đảng cũng như pháp luật của đất nước là trách nhiệm và nghĩa vụ của từng đảng viên trong mọi giai đoạn phát triển của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác