Việt Nam đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào công việc của Liên Hợp Quốc


(VOV5)- Hôm nay, 26/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đến New York, Mỹ tham dự Phiên thảo luận Cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68, diễn ra từ ngày 26 đến 28/9. Đây là một hoạt động đối ngoại quan trọng nhằm triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường 36 năm qua kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc ngày 20/9/1977, quan hệ giữa Việt Nam với tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này không ngừng được phát triển theo hướng ngày càng sâu rộng và hiệu quả. Không chỉ tranh thủ được nguồn viện trợ, giúp đỡ để tái thiết đất nước sau chiến tranh, tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của Liên Hợp Quốc phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, mà sự kiện này còn góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Lê Hoài Trung khẳng định: Liên Hợp Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc Việt Nam triển khai thực hiện hội nhập quốc tế. Bởi đó là cơ chế toàn cầu với sự tham gia của tất cả quốc gia, hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực, gồm các nước lớn, các đối tác lớn mà Việt Nam rất coi trọng. Vì vậy Việt Nam cần tranh thủ để thực hiện đường lối đối ngoại của mình trong quá trình hội nhập quốc tế.

Việt Nam đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào công việc của Liên Hợp Quốc - ảnh 1
Ông Lê Hoài Trung - Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN

Với tư cách là một thành viên trách nhiệm của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực đối với sự phát triển của tổ chức chính trị có uy tín nhất thế giới. Là một trong 8 quốc gia tự nguyện thử nghiệm vào năm 2006, Việt Nam nhanh chóng trở thành hình mẫu cho Sáng kiến thống nhất hành động và trở thành quốc gia có tiến bộ nhanh nhất trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Cùng với đó, Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước Không liên kết và đang phát triển để đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực... đồng thời bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Có thể nói, hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên Liên Hợp Quốc cũng như về vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo. Sự hợp tác này đã hỗ trợ tích cực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của Liên Hợp Quốc trong thời kỳ mới.

Trong bối cảnh như vậy, chuyến tham dự Kỳ họp lần này của Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 68 nhằm tiếp tục triển khai sâu rộng đường lối hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc, thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Liên Hợp Quốc nói chung và với các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc nói riêng. Tại Phiên thảo luận Cấp cao của Đại Hội đồng LHQ khóa 68 vào ngày 27/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, trong đó nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới. Bên cạnh đó, các hoạt động tiếp xúc song phương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề phiên thảo luận Cấp cao là cơ hội để tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đưa các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với tiến trình phát triển và hội nhập của Việt Nam. Đại sứ Lê Hoài Trung cho biết: Sẽ có những cuộc gặp gỡ của Thủ tướng chính phủ với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, một số lãnh đạo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), qua đó trao đổi kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình hợp tác với Liên Hợp Quốc. Trong vấn đề hòa bình-an ninh quốc tế, là một thành viên tích cực trong ASEAN, Việt Nam sẽ chia sẻ quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN với ba trụ cột. Bên cạnh đó là chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, đóng góp của Việt Nam vào quá trình đổi mới tại Liên Hợp Quốc, quyết định của Việt Nam trong việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. 


Trong dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có buổi đối thoại với các doanh nghiệp Mỹ. Đây là mong muốn của phía doanh nghiệp Mỹ. Qua đối thoại, các doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn tìm hiểu thêm về chính sách đổi mới, về đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và thay đổi mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững và những chính sách khuyến khích đầu tư vào Việt Nam thời gian tới.


Chuyến tham dự Phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần này của Việt Nam chắc chắn sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, qua kỳ họp lần này, Việt Nam còn tiếp tục thể hiện vai trò tích cực của mình cho cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.


Ánh Huyền- Nhật Quỳnh

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác