Bầu cử sớm ở Anh: Quyết định đúng thời điểm của Thủ tướng Theresa May

(VOV5) – Việc bà May quyết định tiến hành bầu cử sớm còn nhằm chính thức hóa việc bà là một Thủ tướng được dân bầu.

Việc Thủ tướng Anh Theresa May bất ngờ kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử trước thời hạn vào ngày 8/6 tới, sớm hơn 3 năm so với lịch trình, được cho là bước đi khôn ngoan trong bối cảnh sự chia rẽ tại Quốc hội đang đe dọa tiến trình Anh rời EU (Brexit). Quyết định được đưa ra khi bà Theresa May mới lên nắm quyền chưa đầy 10 tháng cho thấy sự tự tin vào chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới cũng như quyết tâm đẩy nhanh tiến trình Brexit của nữ Thủ tướng Anh. 


Bầu cử sớm ở Anh: Quyết định đúng thời điểm của Thủ tướng Theresa May - ảnh 1
Thủ tướng Anh Theresa May đã công bố kế hoạch tổng tuyển cử sớm trong cuộc họp báo ở số 10 phố Downing. Ảnh: Getty


Bà Theresa May viện dẫn sự bất hòa và chia rẽ quan điểm trong Quốc hội Anh về vấn đề Brexit khiến vị thế của bà suy yếu trong đàm phán với EU như một trong những lý do chính để kêu gọi tổng tuyển cử sớm. Thủ tướng Anh cho hay đã đến lúc Anh nên xây dựng chính phủ mới trước khi chính thức triển khai các cuộc đàm phán về Brexit. Nhà lãnh đạo này khẳng định giải pháp trên là cách duy nhất để đảm bảo ổn định chính trị trong nhiều năm tới khi Anh đang xúc tiến quá trình đàm phán rời EU.

Quyết định đúng thời điểm

Quyết định bầu cử sớm được Thủ tướng Anh đưa ra vào thời điểm đảng Bảo thủ của bà được dự báo sẽ chiến thắng nếu cuộc bầu cử được tiến hành vào thời gian này. Các cuộc thăm dò dư luận nhiều tháng qua cho thấy bà May đang nhận được sự ủng hộ cao kỷ lục. Theo hai cuộc thăm dò dư luận cuối tuần qua, đảng Bảo thủ đang dẫn trước Công đảng đối lập với khoảng cách 21%. Tương tự, cách đây một tuần, một cuộc thăm dò dư luận khác cũng cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ bà May cũng cao hơn thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn tới 37%. Thái độ mập mờ của ông Corbyn về vấn đề Brexit là lý do chính khiến nhiều cử tri vốn ủng hộ Công đảng tỏ ra thất vọng.  Do vậy, nếu tổng tuyển cử sớm thì đảng Bảo thủ sẽ nhiều cơ hội chiến thắng và sẽ không gây khó khăn cho bà May. Nếu phe đối lập không chấp nhận tổng tuyển cử thì sẽ bị coi là cản trở việc thực hiện ý nguyện của cử tri muốn có Brexit.

Việc bà May quyết định tiến hành bầu cử sớm còn nhằm chính thức hóa việc bà là một Thủ tướng được dân bầu. Gần 1 năm trước, bà May lên cầm quyền khi người tiền nhiệm là ông David Cameron từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit tháng 6/2016, chứ không phải nhờ lá phiếu bầu của cử tri. Vì vậy, dù là người đứng đầu chính phủ nhưng Thủ tướng May luôn bị các đối thủ chính trị chỉ trích rằng bà không thể đại diện cho Vương quốc Anh vì cử tri chưa bao giờ bỏ phiếu bầu cho bà. Một cuộc bầu cử sớm khiến bà May có thể đạt được mục tiêu này, đồng thời quá đó sẽ củng cố quyền lực và đoàn kết đất nước trong vấn đề Brexit.

Cuộc tổng tuyển cử này cũng diễn ra giữa lúc đảng Dân tộc Scotland (SNP) đang gây sức ép đòi tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai tại Scotland về độc lập và tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Điều này trái với lập trường của Thủ tướng May do vậy, theo giới quan sát, bà Theresa May cũng muốn nhân cuộc bầu cử sớm để giảm số nghị sĩ của SNP đại diện cho Scotland trong Quốc hội Anh, giúp làm suy yếu tham vọng bỏ phiếu đòi độc lập của xứ này.


Quốc hội hưởng ứng, châu Âu hoan nghênh     
 

Với 522 phiếu thuận và 13 phiếu chống, ngày 19/4, Hạ viện Anh đã nhanh chóng thông qua đề xuất bầu cử sớm của Thủ tướng Theresa May, mở đường cho việc tiến hành tổng tuyển cử trước hạn. Trong khi đó, các nhà đàm phán của Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã hoan nghênh quyết định của Thủ tướng Anh Theresa May, cho rằng đây là cơ hội để người dân Anh có thể bày tỏ quan điểm của mình về mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Ông Guy Verhofstadt, nhà đàm phán của EP về tiến trình Anh rời khỏi EU, nhận định cuộc bầu cử tại Anh là "một vấn đề nội bộ, song rõ ràng vấn đề Brexit sẽ là yếu tố quan trọng của sự kiện này". Ông Verhofstadt đồng thời khẳng định sẽ hợp tác với chính phủ mới ở Anh "vì một tương lai chung tốt đẹp nhất có thể". Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hy vọng cuộc tổng tuyển cử sớm ở Anh sẽ mang lại tiếng nói rõ ràng và trách nhiệm hơn trong các cuộc đàm phán về vấn đề Anh rời EU. Theo Ngoại trưởng Đức, nếu sự bất ổn như hiện nay kéo dài sẽ không có lợi cho các mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa châu Âu và Anh.

Việc bà May kêu gọi bầu cử sớm là nước cờ khôn ngoan của chủ nhân số 10 phố Downing. Một chiến thắng của đảng Bảo thủ sẽ là sự hậu thuẫn vững chắc để nội các của bà toàn tâm toàn ý cho các cuộc đàm phán khó khăn trong hai năm tới với EU.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác