Chủ động trên mặt trận thông tin đối ngoại giúp hiểu đúng về Việt Nam

(VOV5) - Để bè bạn quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng về Việt Nam, tránh góc nhìn thiên lệch do chỉ nghe thông tin một chiều thì công tác thông tin đối ngoại hơn bao giờ hết cần phải được triển khai chủ động và quyết liệt hơn nữa. Một trong những biện pháp đó là tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tuyên truyền. Đây cũng chính là một nội dung trong phiên họp Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, diễn ra ngày 9/4, tại Hà Nội.

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, các thế lực thù địch đã và đang thực hiện “Diễn biến hòa bình”, không chỉ nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, mà còn nhằm bôi xấu hình ảnh và hạ thấp uy tín của Việt Nam trước bè bạn quốc tế. Để giúp cho bạn bè quốc tế, nhân dân thế giới, người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đầy đủ và đúng hơn về Việt Nam, trong thời gian qua, bên cạnh những biện pháp vừa phát triển lực lượng thông tin đối ngoại, vừa đa dạng hóa và mở rộng các kênh chuyển tải thông tin, công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam không ngừng được đầu tư nâng cao chất lượng. Một trong những biện pháp quan trọng chính là mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí. Theo ông Trần Đắc Lợi, Phó Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng, rất nhiều báo chí nước ngoài, phóng viên nước ngoài, những cây bút bình luận hoặc viết về Việt Nam, trên thực tế chưa có dịp đến Việt Nam, chưa biết, chưa hiểu đầy đủ về Việt Nam, từ đó các thông tin của họ có phần phiến diện, không phản ánh được một cách trung thực, khách quan về tình hình Việt Nam: “Kinh nghiệm trong thời gian qua cho thấy, các phóng viên nước ngoài sau khi đã đến Việt Nam thì họ có nhận thức đầy đủ hơn, từ đó họ có cái nhìn đúng đắn hơn về tình hình Việt Nam, trên cơ sở đó họ có phản ánh khách quan hơn về tình hình Việt Nam. Do đó, việc mở rộng, tăng cường hợp tác báo chí, mời phóng viên nước ngoài đến thăm Việt Nam, tìm hiểu về Việt Nam, chia sẻ thông tin với họ là một trong những biện pháp cần thiết và hữu hiệu để giúp cho ngày càng nhiều người dân các nước trên thế giới hiểu đầy đủ hơn về đất nước chúng ta”.

 Theo thống kê, trung bình mỗi năm, Bộ Thông tin và Truyền thông mời khoảng 6 đoàn nhà báo quốc tế tới thực tế tại Việt Nam để viết bài và đón tiếp từ 20 đến 30 đoàn nhà báo quốc tế có chương trình làm việc riêng đến Việt Nam. Hoạt động này rất có ý nghĩa trong việc tăng cường sự hiểu biết của bè bạn quốc tế về đất nước, con người Việt Nam và thực tế đang diễn ra ở Việt Nam. Lấy ví dụ cụ thể, ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cho biết: “Chúng ta có thể đơn cử ở đây một ví dụ rất thuyết phục, chẳng hạn như đoàn nhà báo của tờ báo điện tử Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc. Sau khi tìm hiểu tình hình thực tế Việt Nam, trao đổi với các cơ quan báo chí của Việt Nam thì có thể nói những thông tin mang tính thù địch đối với Việt Nam trên tờ báo này cũng đã giảm đi nhiều”.

Chủ động trên mặt trận thông tin đối ngoại giúp hiểu đúng về Việt Nam - ảnh 1
Công tác thông tin đối ngoại được xem là nhiệm vụ quan trọng của mỗi đơn vị, bộ ngành
(Ảnh vovradio.vn)

Thực tế đã chứng minh cho hiệu quả của cách tuyên truyền đối ngoại này. Còn nhớ, tháng 5/2011, rất nhiều thông tin sai lệch về vụ việc được gọi là “bạo động” xảy ra ở Mường Nhé, Điện Biên, đăng tải dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế đã gây tâm lý hoài nghi trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Việt Nam đã chủ động mời đoàn phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài lên Điện Biên để tìm hiểu thực trạng vụ việc gây mất trật tự xã hội tại đây. Qua các buổi làm việc và đi thực tế, các nhà báo đã hiểu thêm về chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân, tự do tín ngưỡng và sự bình đẳng của cộng đồng các dân tộc, đồng thời kiên quyết bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật. Một ví dụ khác là ở Campuchia có rất nhiều tờ báo đối lập đăng những bài thiếu thiện chí về Việt Nam. Nhưng sau khi đoàn nhà báo Campuchia được mời tới Việt Nam, chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm bài báo phản ánh đúng hơn về thực tế tại Việt Nam đã được đăng tải trên các mặt báo ở Campuchia.

 Song song với tăng cường thông tin đối ngoại thông qua hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí, đối ngoại nhân dân cũng là một kênh được ưu tiên. Với vai trò là đầu mối triển khai hoạt động đối ngoại nhân dân, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng khẳng định: “Sứ mệnh của chúng tôi vẫn là tiếp tục là làm thế nào để cho nhân dân thế giới hiểu biết Việt Nam hơn theo tinh thần người nào chưa biết Việt Nam thì hãy biết Việt Nam và có cảm tình với Việt Nam, người nào yêu quý Việt Nam rồi thì yêu quý Việt Nam hơn, còn người nào chống đối Việt Nam thì bớt hung hăng hơn. Làm thế nào để khơi dậy tất cả chiều sâu về văn hóa, truyền thống, những cái tốt, cái hay, cái quý của Việt Nam và cả những cái mình còn đang gặp khó khăn để bạn bè hiểu chúng ta, trên cơ sở đó có chia sẻ, ủng hộ Việt Nam trong công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước”.

Minh bạch thông tin chính là phương pháp hiệu quả trong cuộc đấu tranh dư luận, tranh thủ sự ủng hộ và đồng tình của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam. Tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại sẽ khiến thế lực thù địch không thể chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đây sẽ là công việc lâu dài, liên tục và bền bỉ mà Việt Nam đang quyết tâm thực hiện./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác