Cử tri dành lá phiếu cho những đại biểu quốc hội đủ đức, đủ tài

(VOV5) -  Cử tri cả nước mong muốn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành, trung thực hết lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân.


Ngày 22/5 tới, tại Việt Nam diễn ra cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, dân chủ sâu rộng. Cử tri sẽ thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua bầu cử trực tiếp để lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, nhiệt huyết, toàn tâm, toàn ý vì trách nhiệm xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

Cử tri dành lá phiếu cho những đại biểu quốc hội đủ đức, đủ tài - ảnh 1
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trao đổi với cử tri phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Ảnh: hanoimoi


Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là vấn đề  mà nhân dân cả nước đang rất quan tâm, trong đó tiêu chuẩn về trình độ năng lực, phẩm chất chính trị của ứng cử viên là điều cử tri coi trọng nhất. 

Đặc biệt quan tâm đến chương trình hành động của ứng viên

Ông Đinh Xuân Ngợi, cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, chia sẻ: nguyện vọng của cử tri trong cuộc bầu cử ngày 22/5 tới đây là tìm được những đại biểu đủ đức, đủ tài, gắn bó mật thiết với dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, đề xuất các kiến nghị để các cấp lãnh đạo đáp ứng nguyện vọng của dân. Ông Đinh Xuân Ngợi cho biết: “Đại biểu Quốc hội phải sát dân, gần dân, có trình độ thu thập ý kiến của nhân dân để phán ánh với Quốc hội chính xác. Như thế Đại biểu mới làm tốt trách nhiệm của mình. Các vị ứng cử viên phải có chương trình hành động báo cáo trước nhân dân như thế nào rõ ràng. Vị trí của mình trong Quốc hội như thế nào thì phải có chương trình rõ ràng chứ không được chung chung giống nhau”.

Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri đang diễn ra trên địa bàn cả nước, cử tri dành sự quan tâm đặc biệt đến chương trình hành động của các ứng cử viên. Ông Phạm Huy Thụ, cử tri quận Đống Đa, Hà Nội, cho rằng: “Muốn biết đại biểu có đủ năng lực hay không, phải nghe dự kiến công tác của họ. Xem họ làm như thế nào để góp phần xây dựng địa phương. Quan trọng là họ làm như thế nào thì mới có hiệu quả. Người dân bây giờ thường theo dõi cả quá trình đại biểu hoạt động trước đây. Đồng thời xem trình độ, tư cách đại biểu có xứng đáng đại diện cho dân không. Và tự quyết định bằng lá phiếu.  Nguyện vọng của người dân là muốn đất nước phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ tổ quốc, biến đảo, chống tham nhũng và phát huy dân chủ”.

Bên cạnh việc có các hội nghị tiếp xúc cử tri để các đại biểu trình bày chương trình hành động, cử tri mong muốn có thêm nhiều kênh thông tin để hiểu về ứng cử viên. Ông Phạm Văn Thiêm, cử tri quận Thanh Xuân cho rằng: Thông tin về tiểu sử của các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cần được cung cấp sớm để cử tri nghiên cứu, trao đổi: “Tôi muốn danh sách đại biểu được công bố sớm tại những nơi bầu cử và có thể đưa đến cơ sở để người dân xem và suy ngẫm, người này có ưu điểm gì, nhược điểm gì . Trên cơ sở đó, có thể bỏ phiếu chuẩn xác hơn, hiệu quả bầu đúng người càng cao”.

Lựa chọn người có đức, có tài

Cử tri cả nước mong muốn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành, trung thực hết lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Các đại biểu dân cử cũng phải thật sự có trí tuệ, tài năng để hoàn thành nhiệm vụ mà Nhân dân tín nhiệm trao gửi. Đại biểu còn phải gương mẫu, bằng hành động cụ thể, kết quả công việc để minh chứng cho lời nói và lời hứa của mình trước Nhân dân. Thêm nữa, Đại biểu cũng là người sâu sát, vì dân, lắng nghe dân, được dân tin, dân yêu và dân bầu.

Đối với mỗi cử tri, việc cầm lá phiếu trên tay không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, mà còn là sự trăn trở, bởi lựa chọn được người có đủ những phẩm chất trên là điều không hề dễ dàng. Ông Nguyễn Đình Lập, cử tri huyện Thanh Trì, Hà Nội, cho rằng: “Chúng tôi mong muốn mỗi Đại biểu Quốc hội, bằng trí tuệ, bằng đạo đức, thể hiện với những chương trình hành động phù hợp, sát thực, phải có trách nhiệm thực hiện chương trình đó nếu sau này trúng cử. Sau này, chúng tôi, những người dân, sẽ theo dõi các đại biểu ấy hành động như thế nào trên nghị trường, ở thực tế với trọng trách được giao, để hoàn thành cao nhất lời hứa với cử tri”.  

Bầu cử là phương thực thực hiện quyền dân chủ cao nhất của nhân dân. Thông qua bầu cử, người dân thể hiện được địa vị làm chủ của mình. Tỷ lệ phiếu càng cao thì người đại diện cho cử tri càng tự tin, càng có trách nhiệm hơn với xã hội, với nhân dân.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác