EU tìm kiếm những ưu tiên mới để phát triển

(VOV5)- Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Bratislava, Slovakia diễn ra ngày 16/9 là dịp để EU thể hiện sự đoàn kết nội khối và xác định hướng đi trong thời gian tới sau khi Anh quyết định rời khỏi liên minh. Rất nhiều kịch bản cho việc chuẩn bị hội nhập sâu rộng hơn đang được chuẩn bị cho sự kiện này. Tuy nhiên để các nước thành viên đạt được sự đồng thuận về đường hướng phát triển chung của EU là điều không dễ dàng.

EU tìm kiếm những ưu tiên mới để phát triển - ảnh 1
Các đại biểu tham dự Hội nghị không chính thức các Ngoại trưởng EU ở Bratislava ngày 4/9. (Ảnh minh họa: THX/TTXVN)


Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Bratislava diễn ra trong bối cảnh liên minh đang phải đối mặt với 1 loạt vấn đề như việc Anh rời khỏi mái nhà chung, cuộc khủng hoảng người di cư, kế hoạch hợp tác quân sự và phát triển kinh tế nội khối.

 

Những trọng tâm chính

Vấn đề di cư có lẽ sẽ là ưu tiên chung của các nước thành viên EU tại hội nghị quan trọng này.  Trước thềm Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Âu không thể làm ngơ trước bài học về Brexit (Anh rời khỏi EU), đồng thời khẳng định cần giải quyết vấn đề di cư ngay tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bratislava nếu muốn "một châu Âu yên bình." Trong thư mời gửi tới các nước thành viên tham dự hội nghị, ông Tusk khẳng định Châu Âu đã quá chậm trễ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư và giờ không còn nhiều thời gian cho vấn đề này. Theo ông, Hội nghị thượng đỉnh EU tại Bratislava sẽ phải là bước ngoặt trong mọi vấn đề liên quan đến việc bảo vệ đường biên giới bên ngoài EU. Trước đó, Chủ tịch EC Donald Tusk cũng nhấn mạnh rằng người dân khắp châu Âu hy vọng rằng sau hội nghị Bratislava, EU sẽ là nhân tố đảm bảo an ninh, sự ổn định và bảo vệ người dân. Bảo vệ với nghĩa rộng nhất bao gồm cả trong lĩnh vực kinh tế và xã hội.

EU tìm kiếm những ưu tiên mới để phát triển - ảnh 2
Vấn đề người di cư là ưu tiên chung của các nước thành viên EU (Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN)


Ngoài việc đề xuất những hành động cụ thể nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, một chủ đề khác mà các lãnh đạo EU sẽ cố gắng đạt sự đồng thuận là tăng cường an ninh nội khối nhằm chống khủng bố và củng cố an ninh biên giới. 4 ngày trước hội nghị, Đức và Pháp đã công bố một kế hoạch chung nhằm xây dựng một trụ sở quân sự cho các sứ mệnh của EU cũng như các hội nghị thường kỳ về chính sách an ninh và quốc phòng của EU. Bản kế hoạch nhấn mạnh đã đến lúc cần phải đẩy mạnh hơn nữa tinh thần đoàn kết cũng như khả năng phòng thủ của châu Âu nhằm bảo vệ biên giới châu lục cũng như người dân châu Âu một cách hiệu quả hơn. Cùng chủ đề này, trong Thông điệp Liên minh ngày 14/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker khẳng định  với 14 vụ khủng bố lớn xảy ra tại châu Âu trong 1 năm qua, rõ ràng châu Âu cần thông qua hàng loạt biện pháp đấu tranh hiệu quả với chủ nghĩa khủng bố, cần xây dựng một cơ quan đầu não tại châu Âu phụ trách lực lượng quân sự chung EU. Thậm chí, Chủ tịch EC còn đề xuất thành lập một quỹ phòng thủ châu Âu.

 

Trước đó, Thủ tướng CH Séc Bohuslav Sobotka cho biết tại hội nghị ở Bratislva, CH Séc sẽ đề xuất 3 ưu tiên: thứ nhất, hướng vào vấn đề an ninh, trong đó có bảo vệ các đường biên giới phía ngoài của EU, chống khủng bố, hợp tác thành lập quân đội chung châu Âu. Thứ hai, sử dụng mọi cơ hội mà một thị trường tự do tạo ra và ủng hộ sự tự do di chuyển trong EU để cân bằng mức sống nội khối. Thứ ba, nâng cao vai trò của Hội đồng EU.

 

Những bất đồng 

Không thể phủ nhận Hội nghị thượng đỉnh EU tại Slovakia có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của EU thời gian tới song có không nhiều ý kiến lạc quan về kết quả sự kiện này. Ngay cả các quan chức EU đến thời điểm này vẫn khá khiêm tốn khi đề cập triển vọng tích cực của Hội nghị. Một quan chức EU cho biết các lãnh đạo EU sẽ cố gắng thể hiện sự đoàn kết rằng với 27 nước thành viên, EU vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Bản thân điều này có thể đã được coi là một thành công tại hội nghị tới.  Ngay trong Thông điệp Liên minh trước thềm hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker thừa nhận Liên minh châu Âu (EU) chưa đủ gắn kết khi sự hợp tác giữa các nước thành viên chưa như mong muốn. Minh chứng rõ nét cho nhận định này là trước thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn kêu gọi loại bỏ tạm thời Hungary ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) do vi phạm vào những "giá trị dân chủ cốt lõi EU" và đối xử chống người nhập cư.

 

Ngoài ra, bất đồng giữa các thành viên EU còn thể hiện ở chỗ các nước thành viên EU có sự khác biệt về cách thức đối phó với áp lực của toàn cầu hóa. Một số quốc gia muốn tại hội nghị này EU tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại còn một số khác lại nhấn mạnh vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi đó, giới quan sát cũng không hy vọng các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực thương mại hiện nay như việc đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ hay Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện (CETA) với Canada sẽ đạt được kết quả cụ thể tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Bratislava.

 

Hội nghị thượng đỉnh của EU tại Bratislava lần này rất quan trọng đối với tương lai phát triển của EU. Liệu các thành viên của liên minh có phát huy được đoàn kết nội khối để xác định rõ hướng đi của khối trong thời gian tới? Kết quả này phụ thuộc vào những đề xuất cụ thể của từng thành viên EU tại hội nghị ngày 16/9 ở Bratislava.

Phản hồi

Các tin/bài khác