Hiệu quả từ nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo

(VOV5)- Hơn 1 năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế và thực hiện nhiều hành động quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Điều quan trọng, thành quả từ việc xây dựng Chính phủ kiến tạo bước đầu tạo sự khởi sắc trong việc phát triển các doanh nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Hiệu quả của những đổi mới mà Chính phủ kiến tạo đem lại được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
                                                                     


Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội (tháng 7/2016). Chính phủ từng bước cụ thể hóa bằng các nghị quyết, quyết định quan trọng như Nghị quyết 19/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc chígia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Cùng với đó, Thủ tướng cũng ra nghị quyết đầu tiên về phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam (Nghị quyết 35/NQ-CP).


Thành quả ban đầu

Thực hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp... Đồng thời, chú trọng giải quyết những vấn đề xã hội quan trọng, cấp thiết như bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp...Từ giữa năm 2016 đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo đó, các bộ, ngành triển khai nhiều hành động cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều địa phương áp dụng những mô hình mới như thành lập trung tâm hành chính công, cơ quan xúc tiến đầu tư và hỗ trợ đầu tư đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch và Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.


Khối lượng công việc trong năm qua là rất lớn, tuy nhiên điều mà người dân và cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận khá rõ là ở đâu thì thông điệp về “Chính phủ kiến tạo” cũng đã được thắp lửa. Đánh giá về hiệu quả của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển thời gian qua, các chuyên gia nhận định Việt Nam đã đạt được những thành công bước đầu về thay đổi tư duy và phương thức điều hành nền kinh tế, về xây dựng và củng cố năng lực thể chế nhà nước. Cùng với đó là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Hiệu quả từ nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo - ảnh 1
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực (nguồn VTV)

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng: "Chúng ta xác định Chính phủ kiến tạo từ năm ngoái. Điều này rất quan trọng bởi lâu nay chúng ta làm rất nhiều việc liên quan đến đổi mới thể chế  nhưng chưa có đột phá để xác định rõ vai trò của Nhà nước đối với thị trường, đối với doanh nghiệp. Năm ngoái Chính phủ đã quyết tâm xác lập một Chính phủ với vai trò kiến tạo. Nhà nước từng bước tạo ra một môi trường hoạt động cho doanh nghiệp, cho người dân mà ở đó có thể phát huy được hết các nguồn lực của mình."


Sự đồng lòng của cả hệ thống

Tuy đạt những thành quả đáng khích lệ trong xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động song tại các diễn đàn chính thức, Chính phủ cũng luôn nhận thức rõ còn nhiều tồn tại phải tập trung khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững. Một trong những thách thức đó là sự chuyển động của cả hệ thống trong thực hiện chủ trương này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh rằng không phải chỉ có Chính phủ chuyển động, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ chuyển động mà “cả hệ thống phải chuyển động, phải làm gương để bộ máy từ trung ương đến các bộ, ngành, tỉnh, thành, quận huyện, xã phường phải chuyển động phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp”.

Hiệu quả từ nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo - ảnh 2
GS.TS Ngô Thắng Lợi (nguồn: kinhtetrunguong.vn)

Đề cập vấn đề này, Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học kinh tế quốc dân, cho rằng: "Một điều kiện để thành công là phải đảm bảo tính hệ thống trong xây dựng Chính phủ kiến tạo. Tính hệ thống này không chỉ là Chính phủ, không chỉ là các bộ, ngành mà các cơ quan hành chính ở cấp dưới phải dựa trên cơ sở đặc trưng của địa phương mình để từ đó có các chính sách linh hoạt hơn. Không chỉ phù hợp mà phải linh hoạt với địa phương của mình để cụ thể cho các doanh nghiệp địa phương thấy rằng những cái đó gần với họ nhất. Việc xây dựng Chính phủ kiến tạo không chỉ về phía hệ thống chính trị mà phải là các tổ chức xã hội, làm sao cho dân gần Chính phủ hơn."


Hơn 1 năm thực hiện, những thành quả ban đầu cho thấy chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực. Chặng đường sắp tới còn nhiều khó khăn song sự quyết tâm và những bước đột phá trong chiến lược hành động từ phía Chính phủ, các địa phương sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có sức cạnh tranh về môi trường kinh doanh hàng đầu trong khu vực.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác