Hội nghị G20 khẳng định vai trò định hình một thế giới kết nối

(VOV5) - Ra đời từ năm 1999, hiện G20 bao gồm 19 quốc gia thành viên có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh Châu Âu (EU). 

Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ khai mạc ngày mai (7/7) tại Hamburg, Đức. Trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về chính trị, an ninh và kinh tế quốc tế, Hội nghị G20 năm nay chủ trương đạt được đồng thuận trong việc giải quyết các vấn đề chống khủng bố, chống bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu, chính sách nhâp cư và những cam kết của các nước lớn đối với các thể chế đa phương.

Ra đời từ năm 1999, hiện G20 bao gồm 19 quốc gia thành viên có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh Châu Âu (EU). Hội nghị thượng đỉnh thường niên G20 đã trở thành một diễn đàn chủ đạo để thảo luận những chủ đề toàn cầu nóng nhất.

Những vấn đề nóng của G20 năm 2017

Kể từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 9/2016 ở Trung Quốc, thế giới chứng kiến nhiều biến đổi khôn lường, nền kinh tế thế giới cũng vì thế tiếp tục đối mặt với các thách thức cả mới và cũ, khiến tốc độ tăng trưởng chậm chạp, thương mại và đầu tư toàn cầu gặp nhiều khó khăn, trong khi G20 vẫn trong giai đoạn định hình hướng phát triển sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh lần đầu tiên nước chủ nhà Hội nghị G20 đã phải huy động một số lượng lớn cảnh sát để đảm bảo anh ninh cho Hội nghị cho thấy mối đe dọa khủng bố đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và là chủ đề ưu tiên tại tất cả diễn đàn hợp tác đa phương nói chung, G20 nói riêng. Trong khi đó, chỉ vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị G20, CHDCND Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo, gây bất bình cho các quốc gia láng giềng Đông Bắc Á. Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ hối thúc G20 gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng, tận dụng cơ hội này để kêu gọi một cách mạnh mẽ sự phối hợp của cộng đồng quốc tế trong việc phản ứng với CHDCND Triều Tiên.

Trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù kinh tế thế giới hiện đang phát triển tương đối tích cực song còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng bảo hộ, chống lại toàn cầu hóa đang đặt ra những thách thức cho phát triển kinh tế. Việc chính quyền mới của Mỹ quay lưng lại với các cơ chế tự do hóa thương mại, bảo hộ sản xuất thương mại trong nước là thách thức lớn đối với Hội nghị G20 lần này. Vì vậy, trọng điểm của Hội nghị G20 năm nay được chia ra 3 chủ đề chính: Tăng cường tính tự cường của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế các quốc gia; Bàn về vấn đề phát triển bền vững; Xử lý cũng như biện pháp xử lý các vấn đề của phát triển. Cả ba chủ đề này đều tập trung bàn đến những chính sách và biện pháp về xử lý.

Hội nghị G20 khẳng định vai trò định hình một thế giới kết nối - ảnh 1Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức từ ngày 7-8/7/2017 tại thành phố Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: dangcongsan.vn 

G20 tiếp tục khẳng định vai trò hoạch định và dẫn dắt nền kinh tế thế giới

Tình hình trên đã khiến Đức, Chủ tịch G20, chọn chủ đề xuyên suốt chương trình nghị sự của các hội nghị năm nay là “Định hình một thế giới kết nối”, trong đó mục tiêu hàng đầu vẫn là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm phát triển bền vững. G20 cũng ưu tiên thúc đẩy thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, hỗ trợ các nước châu Phi, hợp tác xử lý các thách thức di cư quốc tế, lao động- việc làm, bình đẳng giới… Đáng chú ý, năm nay, lần đầu tiên nước chủ nhà "Năm APEC" không phải là thành viên G20 là Việt Nam được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Điều này cho thấy các thành viên G20 coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò của APEC trong cấu trúc quản trị khu vực và toàn cầu. Chủ đề “Năm APEC 2017” có nhiều điểm tương đồng với trọng tâm nghị sự của G20, trong đó đặc biệt cùng hướng đến thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư; khuyến khích đổi mới-sáng tạo; hợp tác chống biến đổi khí hậu… Đây được coi là cơ sở và cơ hội để thúc đẩy việc kết nối các trọng tâm nghị sự của APEC và G20 nhằm tăng cường phối hợp khu vực và toàn cầu trong xử lý các vấn đề kinh tế trong bối cảnh mới. 

Với quy mô chiếm 2/3 dân số thế giới, 85% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế, G20 đã cho thấy khả năng và tầm ảnh hưởng lớn trong việc hoạch định và dẫn dắt nền kinh tế thế giới. Cùng với sự kết nối và phối hợp với các thể chế quốc tế khác, G20 đang tiếp tục đóng góp tích cực vào việc tái lập và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác