Nỗ lực tìm lại cơ hội hòa đàm Mỹ - Triều Tiên

(VOV5) -Thời điểm diễn ra cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều vẫn còn xa và không ai có thể lường trước điều gì sẽ xảy ra từ nay cho đến ngày 12/6. 

Sau những quyết định thay đổi đến chóng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump về cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều, những ngày này, quan chức 2 nước lại tất bật các hoạt động ngoại giao con thoi để đưa tiến trình đối thoại trở lại đúng hướng. Mặc dù mâu thuẫn dai dẳng và sự cách biệt quá lớn về quan điểm giữa hai bên là rõ ràng, song cộng đồng thế giới vẫn hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu cho một quan hệ mới.

Nỗ lực tìm lại cơ hội hòa đàm Mỹ - Triều Tiên - ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP/TTXVN 

Tổng thống Donald Trump ngày 24/5 đã gửi thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đổ lỗi cho “sự giận dữ và thái độ thù địch” của Bình Nhưỡng làm “trật nhịp” cuộc họp Mỹ - Triều. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 24h sau đó, ông chủ Nhà Trắng đã thay đổi thái độ khi nói rằng cuộc gặp vẫn có thể sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch. Bắt đầu từ đây, các quan chức 2 bên lại vào guồng quay công việc chuẩn bị chương trình cho cuộc gặp lịch sử.

Nhu cầu đối thoại để thu hẹp bất đồng giữa 2 bên là có thật

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/5 tuyên bố hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều song điều này không khiến Bình Nhưỡng giận giữ, trái lại quốc gia này tỏ ra mềm mỏng, khẳng định sẵn sàng đối thoại với Washington bất kỳ lúc nào.

Không chỉ dừng lại ở lời nói, ngày 26/5, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã xúc tiến cuộc gặp thứ 2 với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, tại khu vực phía bắc Bàn Môn Điếm để trao đổi các quan điểm nhằm đảm bảo một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công nếu diễn ra.

Đây là cuộc gặp thượng đỉnh Triều - Hàn lần thứ hai chỉ trong vòng 1 tháng, điều chưa từng có tiền lệ. Trong cuộc gặp bất ngờ này, hai nhà lãnh đạo cùng cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều phải được tổ chức thành công, và rằng "nỗ lực về việc phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên không nên ngưng lại”. Đó là chưa kể đến việc trước đó, CHDCND Triều Tiên chủ động dỡ bỏ hoàn toàn bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi nước này đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân.

Trong khi đó, phía Mỹ cũng cử một phái đoàn do cựu Đại sứ tại Hàn Quốc Sung Kim, hiện là Đại sứ Mỹ tại Philippines, dẫn đầu tới CHDCND Triều Tiên ngày 27/5 để đàm phán về công tác trù bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Song song với chuyến đi của phái đoàn trên, một phái đoàn khác do Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin dẫn đầu đã tới Singapore để chuẩn bị công tác hậu cần và an ninh cho cuộc gặp.

Những nỗ lực trên cho thấy cả CHDCND Triều Tiên và Mỹ đều thực sự có nhu cầu đối thoại nhằm thu hẹp những bất đồng cố hữu vốn là rào cản trong quan hệ song phương bấy lâu nay. Điều này khiến dư luận một lần nữa đặt niềm tin vào khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều với kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, dù trước đó tưởng chừng suýt đi đến bờ vực sụp đổ.

Cố gắng thu hẹp bất đồng

Nỗ lực của cả Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên để cuộc gặp diễn ra đúng như dự kiến được thế giới ghi nhận song dư luận vẫn khá dè dặt về kết quả cuộc gặp. Tuy nhiên sau những hoạt động ngoại giao con thoi gần đây, giới phân tích cho rằng sự bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên về cách thức phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được thu hẹp.

Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc cho biết phái đoàn giữa Mỹ và Triều Tiên đã trao đổi lần cuối về phương án phi hạt nhân hóa Triều Tiên và phương án đảm bảo sự an toàn thể chế của chính quyền Bình Nhưỡng. Hai bên có thể cũng đã thảo luận cả về phương án chuyển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên ra khỏi lãnh thổ nước này. Ngoài ra, hai bên cũng được cho đã hoàn tất thảo luận về chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, dự kiến diễn ra ngày 12/6 tới tại Singapore.

Thời điểm diễn ra cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều vẫn còn xa và không ai có thể lường trước điều gì sẽ xảy ra từ nay cho đến ngày 12/6. Tuy vậy với những nỗ lực ngoại giao con thoi hiện nay của quan chức 2 bên, cơ hội để cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra là rất khả quan, tạo tiền đề thuận lợi trong việc cải thiện quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác