Thỏa thuận Bàn Môn Điếm: Thắp lên niềm hy vọng hòa bình

(VOV5) - Lần đầu tiên một thỏa thuận toàn diện giữa hai miền được cụ thể hóa, đem đến niềm hy vọng về một nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên

Sau Tuyên bố Bàn Môn Điếm được lãnh đạo liên Triều thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh lịch sử ngày 27/4, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đang có những bước đi tích cực đầu tiên để thực hiện các vấn đề cụ thể hai bên đã nhất trí. 

Thỏa thuận Bàn Môn Điếm: Thắp lên niềm hy vọng hòa bình - ảnh 1 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp ở Panmunjom - Nguồn: Kyodo/TTXVN

Ngày 27/4 đã đi vào lịch sử hai miền Triều Tiên, một ngày gặt hái được rất nhiều nụ cười và những cái bắt tay, khi lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ đối đầu, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên trang trọng tuyên bố trước 80 triệu người dân hai miền Triều Tiên và toàn thể thế giới rằng sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, từ đó một kỷ nguyên mới của hòa bình chính thức bắt đầu.

Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm (Panmunjom) nhấn mạnh cam kết chắc chắn sẽ chấm dứt tàn dư của sự chia cách và đối đầu lâu dài từ Chiến tranh Lạnh, tiến tới một kỷ nguyên mới của hòa giải dân tộc, hòa bình và thịnh vượng, cải thiện và vun đắp quan hệ liên Triều.

Những động thái tích cực đầu tiên

Trong bước đi đầu tiên nhằm thực hiện Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên nhất trí ngừng hoàn toàn tất cả các hành động thù địch chống lại nhau trên tất cả các mặt trận, trên bộ, đường không và đường biển, vốn là nguồn gốc của xung đột và căng thẳng quân sự. Theo tinh thần đó, hai bên nhất trí biến khu vực phi quân sự thành khu vực hòa bình từ ngày 2/5/2018 và ngừng mọi hành động thù địch và xóa bỏ mọi công cụ thực hiện. Trong ngày 1/5, hai bên bắt đầu tiến hành dỡ bỏ loa phóng thanh tuyên truyền dọc vùng phân giới tạm.

Trước đó, trong một động thái mang tính biểu tượng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quyết định điều chỉnh múi giờ nước này, đẩy giờ lên sớm 30 phút nhằm hợp nhất múi giờ với Hàn Quốc từ ngày 5/5.

Ngày 29/4, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc xác nhận CHDCND Triều Tiên sẽ đóng cửa khu thử nghiệm hạt nhân tại Punggye-ri vào tháng 5 tới. Sau đó, nước này sẽ mời các chuyên gia cùng giới báo chí Hàn Quốc và Mỹ đến trực tiếp để công bố một cách rõ ràng với cộng đồng quốc tế về điều này.

Cũng để triển khai các cam kết tại Tuyên bố Bàn Môn Điếm, hai miền cho biết sẽ xúc tiến tổ chức sớm hội đàm cấp cao. Dự kiến trong cuộc họp này, hai bên sẽ thảo luận việc thiết lập Văn phòng liên lạc tại khu công nghiệp liên Triều Gaesung và phương án hỗ trợ thúc đẩy giao lưu dân sự. Cùng với đó, hai bên dự kiến sẽ nối lại hội đàm cấp Bộ trưởng Quốc phòng sau 11 năm (kể từ năm 2007). Trong tháng 5 này, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức hội đàm quân sự cấp tướng, dự kiến thảo luận về các biện pháp nhằm giảm nhẹ căng thẳng quân sự, gây dựng niềm tin. Hai bên cũng xúc tiến sớm tổ chức các cuộc gặp nhằm nối lại việc tổ chức đoàn tụ các gia đình bị ly tán cũng như các sự kiện văn hóa, thể thao.

Trong bầu không khí đẩy nhanh hợp tác giữa hai miền, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thăm Bình Nhưỡng vào mùa thu năm nay và hội đàm thượng đỉnh với Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un.

Cánh cửa đối thoại đã mở

Những tín hiệu tích cực trên mở ra hy vọng về một tương lai hòa bình lâu dài giữa hai miền Triều Tiên. Tuy vậy, vấn đề phi hạt nhân hóa và thiết lập cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vốn có mối liên quan mật thiết với Mỹ, do đó mọi sự chú ý giờ đây hướng về cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều khi chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra. Nếu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đạt được thỏa thuận thỏa đáng về "phi hạt nhân hóa” thì Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm tất yếu dễ dàng thực hiện. Nhưng nếu không đạt được một thỏa thuận như vậy thì việc thực hiện Tuyên bố chung sẽ gặp phải những khó khăn đáng kể. Do đó, Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ chắc chắn sẽ là một bước ngoặt rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định “số phận” của bán đảo Triều Tiên. Theo các nhà phân tích, cánh cửa đối thoại đã mở và đây là thời điểm vô cùng thuận lợi để các bên nắm lấy cơ hội. Rất cần thiện chí và trách nhiệm của các bên, trong đó Mỹ, Trung Quốc đóng vai trò rất lớn để đưa tiến trình đối thoại đi đúng hướng.

Dẫu chặng đường phía trước còn dài nhưng thỏa thuận lịch sử đạt được giữa hai miền sau nhiều năm căng thẳng đã tạo nên bầu không khí lạc quan và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên. Thành công của cuộc đối thoại và Thỏa thuận Bàn Môn Điếm thực sự là “món quà” nhiều ý nghĩa không chỉ đối với nhân dân hai miền Triều Tiên, mà còn đối với khu vực nói chung.

Đối thoại mở ra đối thoại và đây đang là cách tiếp cận tạo khả năng phá vỡ bế tắc trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thỏa thuận Bàn Môn Điếm là điểm khởi đầu cho một nền hòa bình thực sự ở bán đảo Triều Tiên.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác