Phòng chống tham nhũng - trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt

(VOV5) - Hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp cơ sở "cũng bắt đầu nóng lên”,  khẳng định chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh là hoàn toàn đúng đắn.

Hôm nay (19/6) tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, kết quả việc thành lập và triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022; xác định nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, góp phần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phòng chống tham nhũng - trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt - ảnh 1Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng với hơn 300 đại biểu và 2.200 đại biểu tại các điểm cầu địa phương - Ảnh: VOV

Ngày 10/5/2022, Hội nghị Trung ương 5, (khóa XIII), đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ngay sau đó, ngày 5/8/2022, 63/63 Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố nhanh chóng được thành lập, trong đó tính đến ba địa phương thành lập sớm nhất là Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa. Việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố đã tạo chuyển biến, hiệu quả rõ nét trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt

Từ khi thành lập đến nay, thống kê chưa đầy đủ cho thấy 63 Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã tổ chức hàng trăm cuộc họp, qua đó chỉ đạo rà soát, quyết định đưa 327 vụ án, 179 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Nhiều địa phương đã chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý, như Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Thái Nguyên...  Cùng với tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, một số Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã xây dựng chương trình và tiến hành kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cho biết: "Riêng trong quý 1 năm 2023, đã phát hiện và bổ sung đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 24 vụ việc, vụ án xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn Hà Nội. Đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc theo kết luận và kiến nghị của Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực và các cơ quan chức năng khác đã chỉ ra".

Điều đáng nói là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả; công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở có nhiều chuyển biến rõ rệt, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nhiều địa phương, như: Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã khởi tố cả cán bộ là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện... vi phạm kỷ luật. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những kết quả đạt được tiếp tục khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Phòng chống tham nhũng - trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt - ảnh 2Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương - Ảnh: VOV

Tại phiên họp chuẩn bị  tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh ngày 10/5/2023 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Kinh nghiệm sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với nhau là rất tốt, từ các khâu bắt đầu thanh tra như thế nào, kiểm tra ra sao, sau kiểm toán giao cơ quan nào làm trước, cơ quan nào làm sau, tôi thấy đây là kinh nghiệm rất hay, để không ỷ lại cấp trên, thứ hai là bản thân các đồng chí tại chỗ phải gương mẫu trước thì mới có thể đi làm được, có tác dụng rất tốt, mà gọi là trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

Khẳng định chủ trương là hoàn toàn đúng đắn

Tại hội nghị giao ban trực tuyến ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh, thành phố quý I/ 2023, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khẳng định thực tế tại các địa phương cho thấy tình trạng "trên nóng dưới lạnh" trong công tác phòng chống tham nhũng đã cải thiện rõ rệt. Theo đó, hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp cơ sở "cũng bắt đầu nóng lên”,  khẳng định chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh là hoàn toàn đúng đắn.

Theo ông Phan Đình Trạc, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh mới đi vào hoạt động, đang trong quá trình vừa làm, vừa học, vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm nhưng yêu cầu tiên quyết là Ban chỉ đạo phải là một tập thể mạnh, phải đoàn kết, gắn bó chặt chẽ, đúng theo tinh thần “ trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ông Phan Đình Trạc lưu ý: "Khi có vấn đề còn có ý kiến khác nhau, các cơ quan ngồi với nhau để bàn bạc, trao đổi, thảo luận trên tinh thần đồng chí anh em và trên cơ sở quy định của pháp luật, quy định của Đảng, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”. Đây là tư tưởng chỉ đạo và cũng là phương châm hành động của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới".

Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là dấu mốc quan trọng nói lên hệ thống tổ chức, bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam được hoàn thiện thêm một bước mới. Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sau 1 năm đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhất là trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực của địa phương. Kết quả này khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện quyết tâm cao của các địa phương, sự đồng lòng, nhất trí từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác