Thời điểm quan trọng trong đàm phán giữa Anh và EU

(VOV5) - Dư luận kỳ vọng sau Hội nghị thượng đỉnh, khối này có thể công bố một dự thảo về Hiệp ước Brexit vào đầu năm 2018. Tuy nhiên đây là điều không dễ dàng.

Hôm nay (14/12), Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm của khối, khai mạc tại Brussel (Bỉ). Một nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị là lãnh đạo 27 nước xem xét thông qua thỏa thuận đàm phán Brexit vừa đạt được hồi tuần trước giữa Anh và EU. Đây là cơ sở để Anh và EU có thể chuyển sang giai đoạn đàm phán tiếp theo. Dư luận kỳ vọng sau Hội nghị thượng đỉnh, khối này có thể công bố một dự thảo về Hiệp ước Brexit vào đầu năm 2018. Tuy nhiên đây là điều không dễ dàng.                                               

Thời điểm quan trọng trong đàm phán giữa Anh và EU  - ảnh 1

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker  và Thủ tướng Anh Theresa May trong cuộc họp báo sau cuộc gặp ngày 8/12 tại Brussels, Bỉ. THX/TTXVN

Theo hiệp ước Lisbon năm 1973 của EU, Anh sẽ mất ít nhất hai năm để sắp xếp cuộc chia tay khỏi liên minh, tính từ năm 2016, còn gọi là Brexit. Để chuẩn bị cho tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu, thời gian qua 2 bên đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán tuy nhiên kết quả không được như mong muốn khi cả 2 rất khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung để giải tỏa những bất đồng.   

Bước tiến quan trọng trong tiến trình đàm phán

Việc Anh và EU đạt được sự nhất trí về một số vấn đề quan trọng hồi tuần trước đã khai thông những bế tắc sau nhiều tháng đàm phán giữa 2 bên. Quan chức Anh và EU đều đánh giá những điều khoản đạt được là những tiến bộ đáng kể, tạo tiền đề để 2 bên bước vào giai đoạn bàn thảo về tương lai quan hệ thương mại giữa EU với nước Anh.

Thời điểm quan trọng trong đàm phán giữa Anh và EU  - ảnh 2 Toàn cảnh một phiên họp của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, miền đông Pháp. AFP/ TTXVN 

Ba vấn đề mấu chốt khai thông bế tắc là: Quyền của các công dân Châu Âu sinh sống tại Anh (khoảng 3 triệu người) và quyền của công dân Anh sinh sống tại các nước Châu Âu; vấn đề biên giới giữa Cộng hòa Ireland và lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh; nghĩa vụ tài chính mà phía Anh phải thực thi.

Theo đó, London đã có sự nhượng bộ nhất định khi công nhận thẩm quyền của Tòa tư pháp Châu Âu trong một số trường hợp pháp lý có liên quan đến quyền lợi của hơn 3 triệu công dân Châu Âu đang sinh sống và làm việc tại Anh. Xứ Sương mù cũng bảo đảm sẽ không có biên giới cứng ở Bắc Ireland, vốn là trở ngại lớn nhất trong những phiên đàm phán thỏa thuận Brexit gần đây. Do Bắc Ireland thuộc lãnh thổ Vương quốc Anh nên sau Brexit thì vùng này sẽ theo luật lệ thuế quan và quản lý thị trường của Anh. Điều này khiến Cộng hòa Ireland lo ngại rằng khi đường biên giới cứng được lập ra sẽ ảnh hưởng đến Thỏa thuận hòa bình Belfast ký vào ngày 10-4-1998, đồng thời tác động tiêu cực tới hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa giữa hai bên.

Cuối cùng, về nghĩa vụ tài chính, vấn đề gây phản ứng mạnh mẽ của giới chức Anh từ trước đến nay, cũng được tháo gỡ khi cuối cùng Anh chấp thuận chi trả khoảng 45 tỷ euro - 50 tỷ euro (tương đương 47-52 tỷ USD) cho EU.

Trước những tiến bộ trên, một ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, Nghị viện châu Âu hối thúc các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) "bật đèn xanh" cho việc khởi động giai đoạn tiếp theo trong tiến trình đàm phán giữa EU và Anh. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề Brexit, ông Michel Barnier khẳng định những tiến triển đạt được sẽ nhanh chóng được chuyển thành một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý. Giai đoạn tiếp theo của tiến trình đàm phán Brexit sẽ tập trung về một giai đoạn chuyển tiếp "ngắn và rõ ràng" cũng như các cuộc thảo luận sơ bộ về mối quan hệ trong tương lai.

 Khó khăn cho giai đoạn tiếp theo

Không thể phủ nhận bước tiến tích cực mà Anh và EU vừa đạt được trong tiến trình đàm phán Brexit song một số vấn đề đã nảy sinh ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU. Trước hết đó là tuyên bố của Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis rằng Anh sẽ không thanh toán hóa đơn tài chính từ 40 đến 45 tỷ Euro nếu khối này không đảm bảo một thỏa thuận thương mại để áp dụng sau khi Anh không còn là thành viên của EU. Tuy ông Davis khẳng định đây chỉ là "một tuyên bố về ý định" chứ không "có ràng buộc pháp lý" nhưng đã gây phản ứng khá mạnh mẽ trong giới chức EU. Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề Brexit, ông Michel Barnier thẳng thừng bác bỏ phát ngôn trên và khẳng định sẽ chỉ có một bản "tuyên bố chính trị" định hình mối quan hệ thương mại trong tương lai được đưa ra tại thời điểm Anh rời EU.

Thời điểm quan trọng trong đàm phán giữa Anh và EU  - ảnh 3Thủ tướng Anh Theresa May ở London ngày 16/11. AFP/ TTXVN 

Một diễn biến bất ngờ khác được đánh giá là sẽ tác động đáng kể đến tiến trình đàm phán sắp tới giữa Anh và EU là việc Quốc hội Anh ngày 13/12 đã nhất trí ủng hộ một nội dung sửa đổi Dự luật Brexit của chính phủ. Theo đó các nghị sỹ được quyền bỏ phiếu đối với bất cứ thỏa thuận cuối cùng nào giữa Anh và EU. Với diễn biến mới  này, chính quyền của Thủ tướng Theresa May giờ sẽ phải chấp nhận quyền kiểm soát của Quốc hội đối với tiến trình Brexit khi Quốc hội có quyền yêu cầu các Bộ trưởng trở lại bàn đàm phán nếu cơ quan này nhận định thỏa thuận đạt được chưa đủ phù hợp.

Theo lịch trình, Anh chính thức rời EU ngày 29-3-2019. Các cuộc đàm phán phải được hoàn tất để nghị viện các nước có thời gian xem xét và thông qua bất kỳ thỏa thuận nào đạt được. Việc Anh và EU đạt được một số thỏa thuận về Brexit vừa qua là bước tiến đáng ghi nhận sau nỗ lực của cả 2 phía. Tuy nhiên giai đoạn đàm phán tiếp theo chắc chắn sẽ gặp không ít chông gai, trước khi các bên có thể đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác