Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Đức

(VOV5) - Trên bình diện quốc tế, Việt Nam và Đức đều là những thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. 

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam trong 2 ngày 23-24/1. Chuyến thăm  là điểm nhấn trong quan hệ song phương giữa 2 nước, mang lại động lực mạnh mẽ cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Đức trong thời gian tới.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống CHLB Đức tới Việt Nam trong 17 năm qua và diễn ra chỉ sau hơn 1 năm sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz (tháng 11/2022). Đây cũng là chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam đầu tiên của nguyên thủ một nước Châu Âu trong năm 2024.

Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Đức - ảnh 1Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Ảnh: Vietnam+

Quan hệ Đối tác chiến lược được triển khai hiệu quả, toàn diện

Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 10/2011, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện.

Trong những năm gần đây, kể cả trong đại dịch Covid-19, quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực. Sự tin cậy sâu sắc, mối quan hệ ngoại giao và chính trị, bao gồm giữa các lãnh đạo cấp cao tới các địa phương và giữa nhân dân hai nước là thành quả quan trọng hàng đầu của việc triển khai Đối tác chiến lược Việt-Đức.

Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Đức - ảnh 2Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank- Walter Steinmeier và Phu nhân, bà Elke Büdenbender. Ảnh: Đại sứ quán Đức

Về kinh tế, thương mại và đầu tư, Đức tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng nhanh chóng, năm 2022 đạt 12,6 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm 2021. Đức là nhà đầu tư lớn thứ 18/143 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đặt gần 2,7 tỷ USD.

Về giáo dục đào tạo, hiện có trên 7000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đức. Dự án Trường Đại học Việt Đức được chính quyền Đức và bang Hessen hỗ trợ phát triển hoạt động hiệu quả, góp phần đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại Đức hiện có khoảng 200.000 người, hội nhập sâu rộng và có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Đức và quan hệ hai nước.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam và Đức đều là những thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Hai nước chia sẻ nhiều giá trị chung cốt lõi, những mối quan tâm và lợi ích chiến lược song trùng ở khu vực và thế giới. Việt Nam và Đức luôn ủng hộ và phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, G20, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). Hai nước cũng đã hợp tác rất hiệu quả khi cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm 2022, trên cương vị là Chủ tịch G7, Đức đã thúc đẩy việc lựa chọn Việt Nam là một đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với G7. Mới đây nhất, Đức đã tái đắc cử Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc và Việt Nam cũng trúng cử, trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, mở ra thêm cơ hội hợp tác và phối hợp tại diễn đàn quan trọng này.

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác

Trên nền tảng quan hệ Đối tác chiến lược đang phát triển như vậy, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới. Theo nhận định của giới chuyên gia, phục hồi kinh tế ở Việt Nam có tốc độ cao hơn trung bình của khu vực và thế giới, thị trường hai nước kể cả về thương mại và đầu tư có xu thế tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa. Do vậy, Việt Nam được giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư Đức đánh giá là một thị trường hấp dẫn hàng đầu để chuyển dịch đầu tư, thương mại.

Bên cạnh nhiều lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng để hai bên mở rộng hợp tác, như: giáo dục, đào tạo nghề, cung cấp lao động lành nghề, năng lượng tái tạo, y dược, chế biến nông sản, công nghiệp chế tạo, hợp tác năng lượng được xem là lĩnh vực nổi bật. Việt Nam có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, dồi dào ánh nắng mặt trời và sức gió, có bờ biển dài.., do đó có điều kiện thuận lợi để hợp tác với các công ty năng lượng Đức có công nghệ hiện đại để phát triển năng lượng sạch và tái tạo như điện gió, điện Mặt Trời, hoặc sản xuất hydrogen.

Ngược lại, Đức cũng đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng tái tạo và sạch, phát triển mạnh mẽ các công nghệ mới trong lĩnh vực này, bao gồm cả công nghệ sản xuất và sử dụng hydrogen. Bối cảnh này đang tạo ra nhiều cơ hội hợp tác mới to lớn giữa hai nước, đặc biệt khi Việt Nam đã được G7 lựa chọn là một đối tác toàn cầu trong chuyển đổi năng lượng công bằng.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ xanh, công nghệ số, công nghệ chế tạo máy và thiết bị của Đức, các chính sách phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường, cùng cam kết tại COP26 của Việt Nam.. Đây là những yếu tố thuận lợi để Việt Nam và Đức đẩy mạnh hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược, góp phần gia tăng hiểu biết, tin cậy chính trị và tạo động lực mới cho các trụ cột hợp tác giữa hai nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác