Thực hiện Nghị quyết TW 5: Chính phủ đồng hành cùng khu vực tư nhân

(VOV5) - Ngày 31/7 , tại diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đối thoại, trả lời những vấn đề doanh nghiệp quan tâm để tháo gỡ khó khăn, giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển theo đúng tinh thần nghị quyết 10 của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII (năm 2017). Nhiều giải pháp được người đứng đầu Chính phủ đưa ra và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kiên quyết thực hiện.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW khóa XII đề cập phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết xác định phát triển KTTN lành mạnh, hiệu quả, bền vững; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực KTTN. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.

Thực hiện Nghị quyết TW 5: Chính phủ đồng hành cùng khu vực tư nhân - ảnh 1Thủ tướng gõ búa thể hiện sự đoàn kết, thống nhất của Diễn đàn 

Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng lớn

30 năm đổi mới, một trong những thành tựu quan trọng của Việt Nam là đã khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân trong nước. Rất nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ khu vực này phát triển được đưa ra, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của người Việt, doanh nghiệp Việt. Đến nay, phải khẳng định rằng, kinh tế tư nhân đang ngày càng có những đóng góp rất quan trọng trong phát triển đất nước, từ đóng góp ngân sách, tạo việc làm đến góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Nếu tính trong cơ cấu GDP, kinh tế tư nhân đóng góp cao nhất trong nhiều năm qua. Tính từ năm 2010 trở lại đây, đóng góp của khu vực này trong GDP đều ở mức trên 43%. Tỷ lệ này ở khu vực kinh tế nhà nước là khoảng 28,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 18%. Số lượng doanh nghiệp tư nhân cũng tăng rất mạnh. Năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới tăng ở mức kỷ lục, đạt trên 110.000 doanh nghiệp.  

Tại Việt Nam, đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân, doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi năng lực về vốn và công nghệ cao như chế biến, chế tạo, điện tử, dịch vụ tài chính - ngân hàng... như Vinamilk, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, Tập đoàn Massan, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Thế giới di động…Như vậy, có thể nói, Nghị quyết 10-NQ/TW đã khẳng định và hơn thế đã nâng tầm vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Khu vực tư nhân là chìa khóa tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Hành động của Chính phủ

Mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực hành động rất lớn của các tác nhân liên quan. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi. Năm 2016, Chính phủ liên tục tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư, với hàng trăm cuộc tiếp tục, đối thoại với doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực. Một loạt cải cách chính sách  được ban hành, những tồn tại được nhận diện nên môi trường đầu tư kinh doanh đã cải thiện rõ nét.

Thời gian tới, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc giảm chi phí cho doanh nghiệp để tăng hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp: "Chúng tôi nhận thức rõ rằng còn nhiều vấn đề bất cập trong các chi phí đối với doanh nghiệp như chi phí bến bãi, lãi vay ngân hàng, một số chi phí không chính thức, chi phí về giao thông đặc biệt về giao thông vận tải. Nhận thức vấn đề này, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn để giảm chi phí. Đây là vấn đề rất quan trọng mà Chính phủ đã nhận ra để hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp tốt hơn nữa".

Thủ tướng khẳng định Nghị quyết TW 5 đã xóa bỏ mọi rào cản để kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng vì thế những gì tư nhân có thể làm tốt, Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho tư nhân làm: "Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Việt Nam mở ra chương trình đầu tư mới cho tư nhân trong tất cả các lĩnh vực quan trọng mà đất nước đang thiếu vốn, đang kêu gọi phát triển như  bệnh viện, trường học, nhà máy điện.Mong các doanh nghiệp sẽ hưởng ứng chủ trương này để tư nhân Việt Nam đóng góp ít nhất 50% GDP và tiến tới 60%GDP".

Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan cần lắng nghe và đối thoại định kỳ tại các diễn đàn với các khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam; giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn.      Các địa phương cần thu hồi những dự án, đất đai, tài nguyên và cả cơ chế chính sách đối với những nhà đầu tư yếu kém để trao cho những nhà đầu tư mới có năng lực, cam kết dài hạn và đồng hành cùng địa phương và cùng với Chính phủ.

Cùng với nỗ lực hành động của Chính phủ, Thủ tướng cũng mong khu vực tư nhân phải đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh: "Doanh nghiệp nên đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới, từ đó tập trung sản xuất hoạt động trong các lĩnh vực mà thế giới có nhu cầu lớn và thường xuyên, như nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng, du lịch. .Mạnh dạn hợp tác quốc tế hơn nữa về các phương diện như mua bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài…".

Quan điểm toàn diện của Đảng và Nhà nước đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của phát triển kinh tế. Việc Chính phủ đã, đang và sẽ có những hành động cụ thể để tạo mọi thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng không chỉ hiện thực hóa quan điểm trên mà cũng chính là phù hợp với mong muốn của phần lớn các doanh nghiệp khi tham dự Diễn đàn kinh tế tư nhân 2017.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác