Tự do tín ngưỡng, tôn giáo cần phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội

(VOV5) - Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, không tín ngưỡng tôn giáo của người dân, theo đúng quy định pháp luật. Song, Việt Nam cũng cương quyết xử lý hành vi lợi dụng tôn giáo đi ngược thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức xã hội. 

Tại phiên họp thường kỳ chính phủ diễn ra ngày 3/5 tại Hà Nội, vấn đề này một lần nữa được đại diện Văn phòng chính phủ khẳng định, trong bối cảnh thời gian gần đây Hội Thánh Đức Chúa Trời (hay có tên gọi khác là Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ) có những hoạt động truyền đạo trái phép tại nhiều địa phương trong cả nước, gây bức xúc trong dư luận.

Việt Nam đặt vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp và luật pháp đạt chuẩn quốc tế ngay từ khi có Hiến pháp đầu tiên và ngày càng được hoàn thiện để phù hợp với sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Chính điều đó đã đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân phù hợp với Công ước quốc tế và ngang tầm với luật pháp của nhiều nước có nền pháp chế lâu đời.

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo cần phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội - ảnh 1UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Nhưng pháp luật Việt Nam cũng quy định rõ nghiêm cấm việc lợi dụng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lạm dụng tôn giáo để làm trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa dân tộc… Quy định như vậy chính là đảm bảo cho những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được lành mạnh, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, đáp ứng những nhu cầu chính đáng của quần chúng nhân dân, không bị các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái với thuần phong, mỹ tục làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, sức khỏe, nhân phẩm, tàn sản của nhân dân…

Không thể lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng

Ngày 3-4, tại Họp báo chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, không tín ngưỡng của người dân. Song, Việt Nam cũng cương quyết xử lý hành vi lợi dụng tôn giáo đi ngược thuần phong mỹ tục, đồng thời khẳng định, Hội Thánh Đức Chúa Trời đã có nhiều hoạt động ứng xử thô bạo với tín ngưỡng truyền thống, bịa đặt chuyện nước thánh. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng là các cơ quan chức năng, địa phương phải rà soát, xem xét, đánh giá lại, chấn chỉnh những hoạt động không hợp pháp của tổ chức Hội Thánh Đức Chúa trời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo đại diện Ban tôn giáo chính phủ, "Hội thánh Đức Chúa Trời" ra đời năm 1964 tại Hàn Quốc. Hội thánh này hoạt động trên nhiều nước và có tới hàng triệu tín đồ. Tại Việt Nam, hội thánh này đã vào hoạt động nhiều năm. Ban đầu, họ tự phát thành lập ra các nhóm sinh hoạt trong cộng đồng, song chưa được cấp phép hoạt động, cũng chưa được công nhận là một tôn giáo. Và cho tới nay, chỉ duy nhất "Hội thánh Đức Chúa Trời" tại thành phố Hồ Chí Minh được UBND thành phố cấp chứng nhận đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố vào năm 2017 khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016. Hội thánh này sinh hoạt tôn giáo thuần túy, tuân thủ đúng pháp luật.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, nhất là khu vực phía bắc, thời gian gần đây có một số nhóm nhỏ lẻ, không phổ quát, cũng tự xưng là "Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ" có động cơ vụ lợi, đưa ra những lý lẽ ma mị, mê tín cũng như các phương thức, công cụ để mê hoặc, lôi kéo các đối tượng dễ tuyên truyền tại một số địa phương, gây ra những vấn đề bức xúc, hoang mang trong dư luận. Đại diện Ban tôn giáo Chính phủ khẳng định đây là hoạt động vi phạm luật pháp về tín ngưỡng tôn giáo, vi phạm Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý.

Tôn giáo chân chính phải hướng con người đến cái thiện

Một tôn giáo chân chính luôn răn dạy và hướng con người đến cái chân – thiện – mỹ, hướng con người đến những chuẩn mực đạo đức nhất định. Trong 10 điều răn của Chúa cũng dạy là phải hiếu kính cha mẹ... Vậy mà, những người tự xưng là “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” lại có những hành vi hướng con người đến những hành động phi đạo đức như xúi giục phá bỏ bàn thờ tổ tiên, rời bỏ cuộc sống gia đình, không công nhận người thân. Các đối tượng nhân danh “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” đang lợi dụng tôn giáo để mị hoặc người dân, lợi dụng niềm tin của họ để thực hiện các hành vi gây mất ổn định xã hội.

Pháp luật và nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của người dân nhưng lợi dụng tôn giáo để chà đạp lên tín ngưỡng bao đời của dân Việt Nam thì không chấp nhận được. Có thể khẳng định tôn giáo luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của con người, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, tinh thần. Mỗi con người có một niềm tin riêng, có quyền tin theo một tôn giáo nào đó nhưng đừng để niềm tin trở nên mù quáng rồi bị các đối tượng xấu lợi dụng nhằm thực hiện các mục đích xấu gây ảnh hưởng đến chính bản thân, gia đình và cả xã hội. Do đó, các hành vi truyền đạo trái phép vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức là vi phạm pháp luật cần phải bị lên án và loại trừ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác