Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu

(VOV5) - Cùng với việc tham gia đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), vừa kết thúc tại Paris (Pháp), Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. 

Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Với nhịp độ gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như hiện nay, nhiệt độ trái đất có thể tăng thêm từ 3 - 5°C vào năm 2100, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tan chảy băng, nước biển dâng cao (thêm khoảng 60 cm) và gia tăng các hiện tượng khí hậu cực đoan tại nhiều khu vực trên trái đất. Theo dự báo, Việt Nam là quốc gia thứ 3 trong số 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Việt Nam đã chủ động phòng chống biến đổi khí hậu, không chỉ dừng ở việc có những cam kết với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và còn tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Cam kết mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn về nguồn lực

Nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam thể hiện ở việc tại diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) vừa diễn ra tại Paris (Pháp), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định từ nay đến năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển, gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Việt Nam còn có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế và sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020. Về điều này, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ: "Quan điểm của Việt Nam là các nước cần tôn trọng công ước về biến đổi khí hậu và tôn trọng sự khác biệt trong trình độ phát triển của các nước khác nhau, theo nghĩa là các nước phát triển, các nước giàu có, các nước đưa ra lượng khí thải nhiều hơn thì phải có trách nhiệm lớn hơn các nước nghèo, các nước ít phát khí thải thì phải có được sự hỗ trợ về mặt tài chính để tham gia vào sự nghiệp chung này. Phải tôn trọng sự khác biệt giữa các nước".

Việt Nam cũng tích cực gióng lên vấn đề biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long tại diễn đàn quốc tế này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cùng với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), bà Laura Tusk, đã đồng chủ trì Phiên Đối thoại cấp cao "Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long".

Nỗ lực triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu

Tại thời điểm diễn ra Hội nghị COP 21, tại Việt Nam diễn ra Hội nghị toàn quốc "Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu". Hội nghị do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV/NCA Việt Nam) tổ chức, tại đó các tôn giáo của Việt Nam đã đưa ra thông điệp cam kết cùng chính quyền,đoàn thể các cấp ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết: "Sau hội nghị này, tùy từng tôn giáo sẽ có kế hoạch hành động của mình. Tổ chức tôn giáo  ở cấp Trung ương sẽ hướng dẫn tôn giáo mình ở mỗi địa phương để triển khai kế hoạch hành động. Còn lại, tất cả các tỉnh, các tôn giáo sẽ có buổi làm việc Mặt trận Tổ quốc, Sở Tài nguyên- Môi trường để ký kết chương trình triển khai thỏa thuận ở cấp tỉnh và xuống phường xã. Sau đó 2 năm tỉnh sơ kết 1 lần, 3 năm thì sơ kết ở cấp quốc gia. Công tác truyền thông cũng sẽ được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức, hành vi của mỗi người dân Việt Nam trong vấn đề này".

Trong nhiều năm qua, các cấp, ban ngành, đoàn thể của Việt Nam đã triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu với mục tiêu: đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên...Trong chiến lược này, việc giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với khu vực sản xuất lúa gạo lớn là Đồng bằng sông Cửu Long, được coi là công việc cấp bách hàng đầu. Về điều này, Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: "Chúng ta có thể chuyển đổi những loại cây trồng sử dụng nước ít hơn; đồng thời với đó phải tiết kiệm nước. Bởi bây giờ nước không phải là vô tận như ngày xưa mình nghĩ mà phải tiết kiệm. Bên cạnh đó, chúng ta phải giúp cho bà con nghĩ tới việc thay đổi cơ cấu sản xuất. Thay vì lũ thấp mà sống bám vào lũ thì cần có cách thức khác để có công ăn việc làm chứ không phải chờ đợi lũ lớn để có nhiều thủy sản".

 Với mục tiêu phát triển nền kinh tế theo xu hướng tăng trưởng xanh, tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng xây dựng các quy hoạch phát triển, xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm cấp bách; nghiên cứu và triển khai các giải pháp cụ thể để phòng, chống hiệu quả thiên tai.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác