Phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động mau lẹ về xuất nhập khẩu

(VOV5) - Sáng 23/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. 

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đông đảo các nhà quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các hiệp hội, ngành hàng trong cả nước. 

Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện kỳ tích xuất khẩu năm 2017, nhận diện bối cảnh, tình hình thế giới, tháo gỡ khó khăn cả về thể chế, chính sách và sản xuất.

Phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động mau lẹ về xuất nhập khẩu - ảnh 1 Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Vũ Dũng/VOV

Năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Song, đi sâu vào các chỉ số có thể thấy, mặc dù xuất khẩu chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang nhóm hàng điện tử nhưng nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%. Theo tổng hợp của Bộ Công thương, xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm trên 70% xuất khẩu.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chiếm lĩnh thị trường, thúc đẩy xuất khẩu chính là con đường để kinh tế Việt Nam cất cánh.Thủ tướng nêu ra 5 câu hỏi lớn cho ngành Công Thương: Làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam? Sáng kiến để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu? Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu? Tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa như thế nào, “những hiệp định, ưu đãi thuế có liên quan đến sản xuất trong nước? Khâu nào là khâu yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tôi yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp tục trả lời 5 câu hỏi mà tôi đã nêu ra sáng nay, đặc biệt là những câu hỏi này có thể chọn lọc, đưa vào những nội dung của Chị thị lần này. Đây là thúc đẩy xuất khẩu trước mắt và lâu dài trên một giải pháp tổng thể chứ không phải chắp vá. Và chúng tôi nói lại phải tổng thể trên câu chuyện thị trường, có nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu phát triển để đặt vấn đề sản xuất, kể cả tâm lý, mẫu mã, sản lượng. Chính vì vậy tôi đề nghị tỉnh nào, bộ nào cũng có định hướng xuất khẩu với bước đi thích hợp".

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội nghị, nhất là từ phía các hiệp hội, ngành hàng, nhà sản xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật vấn đề tồn tại nổi cộm cản trở tăng trưởng xuất khẩu chính là thể chế pháp luật và cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo sửa đổi trong phương thức quản lý, tạo môi trường thông thoáng, sửa đổi khuôn khổ pháp lý, chính sách thuế, văn bản quản lý ngoại thương… để khuyến khích xuất khẩu: "Phát huy mọi tiềm năng, khai thác lợi thế so sánh của Việt Nam để tăng nhanh xuất khẩu cả số lượng, chất lượng và giá trị gia tăng hàng hóa. Tiềm năng đó có thể tăng lên thấp nhất là 15-20% trong những năm tới. Đây là bài toán rất cao, và nếu được liên tục trong nhiều năm góp phần tăng trưởng GDP cho đất nước rất lớn".

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng định hướng xuất khẩu với bước đi thích hợp. Thủ tướng nhấn mạnh những vấn đề đặt ra trên thế giới và trong nước đòi hỏi “phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động mau lẹ về xuất nhập khẩu thì mới có thể đưa đất nước bứt phá đi lên trong lĩnh vực này.

Hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu là Hội nghị thứ 4 nằm trong chuỗi 15 Hội nghị toàn quốc nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh... thúc đẩy tăng trưởng bền vững của đất nước được Việt Nam tổ chức trong năm nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác