Nguyễn Hải Yến – Cô phù thủy của dàn hợp xướng

(VOV5) -“Âm nhạc đã sinh ra tôi một lần nữa, đã cho tôi đến với một thế giới muôn màu sắc. Nhưng chính nghệ thuật hợp xướng lại giúp tôi tìm thấy chính mình”.

1.Nàng tiên, phù thủy, hay siêu nhân?

Với các thành viên của Hợp xướng Đa dạng, chỉ huy Nguyễn Hải Yến, người được gọi với cái tên thân thương "cô giáo Én", vừa là nàng tiên, vừa là phù thủy, vừa là siêu nhân. Nàng tiên, vì cô xinh đẹp và đáng yêu, khiến cho từ trẻ con, thanh niên, trung niên tới người lớn tuổi đều mê cô như điếu đổ. Phù thủy, vì cô có thể khiến bảy chục con người không biết hoặc biết rất ít về thanh nhạc có thể biểu diễn những tiết mục hợp xướng vô cùng khó một cách nhuần nhuyễn mà đầy cảm xúc. Và siêu nhân, vì sức làm việc khủng khiếp của nữ chỉ huy hợp xướng này.

Nguyễn Hải Yến – Cô phù thủy của dàn hợp xướng - ảnh 1 Nguyễn Hải Yến

Cùng lúc tham gia nhiều dự án âm nhạc, nhạc kịch trẻ em Matilda, nhạc kịch Không gia đình, và Hợp xướng Đa dạng, trong vai trò giảng dạy thanh nhạc và chỉ huy, lịch làm việc của Yến dày đặc đến chóng mặt. Vừa xong 4 buổi diễn thành công vang dội của Matilda ở Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), cô lại tiếp tục ráo riết tập thanh nhạc cho các diễn viên nhí không chuyên trong nhạc kịch Không gia đình. Cùng lúc đó, bảy mươi thành viên của Hợp xướng Đa dạng cũng đang gấp rút tập luyện cùng "cô giáo Én" cho buổi biểu diễn chính thức vào 20/7 tới, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội, cùng Dàn Hợp xướng Tự hào Thái Bình Dương (Pride Pacific Choir) của Australia. Thế nhưng, kỳ lạ thay, nhịp độ làm việc không ngơi nghỉ cộng thêm áp lực công việc căng thẳng lại càng khiến cô gái này phát huy khiếu hài hước thiên phú của mình. Phòng tập hát của Hợp xướng Đa dạng ở viện iSEE chiều thứ Bảy nào cũng ngập tràn âm nhạc, và tiếng cười.

Nói về Yến, bà Hoàng Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE, Giám đốc Dự án Hợp xướng Đa dạng chia sẻ: “Không ai có thể không yêu cô gái này. Bảy mươi thành viên của Hợp xướng Đa dạng là bảy mươi cá tính khác nhau, mỗi người có những nỗi niềm riêng, có câu chuyện riêng, nhưng khi tới đây, họ dường như quên hết mọi suy tư lo lắng, chỉ còn tiếng hát và tiếng cười, chỉ toàn niềm vui. Chính Yến đã đem đến niềm vui ấy. Cô ấy hài hước, hồn nhiên, giỏi chuyên môn và đam mê âm nhạc nồng nhiệt. Yến đã không chỉ làm rất tốt công việc chuyên môn của mình, cô ấy là hiện thân của một nghệ sĩ thuần khiết, trong sáng, đầy hứng khởi, luôn mang lại niềm vui và động lực cho người khác”.

“Âm nhạc đã sinh ra tôi một lần nữa”

Khó có thể hình dung, nữ chỉ huy hợp xướng tài năng, xinh đẹp và có khiếu hài hước này lại từng là một cô bé nhút nhát, sợ giao tiếp, có khi cả ngày chẳng nói với ai lời nào. Có lúc, chỉ nghe tiếng bác đồng nát rao mà cô sợ quá trốn biệt, cả nhà chẳng ai tìm ra. Tuổi thơ của Yến cứ lặng lẽ và buồn tẻ như thế, cho đến mùa hè năm lớp 1, khi bố mẹ cho cô đi học nhạc ở Cung thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh. Cả một thế giới mới mẻ và ngập tràn niềm vui mở ra với cô bé. Nào học võ, học múa, học đàn, học hát… Yến bắt đầu trò chuyện với bạn học, với thầy cô giáo, và say sưa học đàn piano.

Nguyễn Hải Yến – Cô phù thủy của dàn hợp xướng - ảnh 2 Yến tốt nghiệp loại Giỏi Trung cấp Âm nhạc chuyên ngành Keyboard tại trường Cao đẳng Âm nhạc Nghệ thuật Quảng Ninh

Em say sưa đánh đàn đến mức, về nhà bố em đi kiếm 1 miếng bìa cứng, mẹ vẽ lên đó đúng phím đàn piano, và em cứ mở sách, tay đánh, miệng hát thay đàn suốt cả ngày. Đi đâu chơi cùng mang “đàn” theo. Suốt bao năm em học nhạc, bố em đã mua cho em rất nhiều cái đàn, nhưng đó là cái đàn em yêu nhất.”

Nguyễn Thị Hải Yến - Chỉ huy Hợp xướng, Nhà giáo dục Âm nhạc

Sinh năm 1988 tại Quảng Ninh

Năm 2006: tốt nghiệp Đại học loại Giỏi chuyên ngành Chỉ huy Giao hưởng – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Năm 2012: Tốt nghiệp Cao học chuyên ngành Chỉ huy Giao hưởng – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Từ 2017-2019: Phó Giám đốc Nghệ thuật – Trung tâm Nghệ thuật Sol Art

Từ 2017 – nay: Sáng lập và chỉ huy dàn hợp xướng người cao tuổi đầu tiên của Việt Nam, hợp xướng Tuổi vàng.

2019: Chỉ huy chính Hợp xướng Đa dạng.

Năm 2004, Yến tốt nghiệp loại Giỏi Trung cấp Âm nhạc chuyên ngành Keyboard tại trường Cao đẳng Âm nhạc Nghệ thuật Quảng Ninh.

Cô tiếp tục thi đỗ và vào học keyboard tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhưng dường như cô vẫn chưa tìm thấy con đường của mình. Dù luôn được điểm cao nhưng Yến cảm thấy không hạnh phúc, không tự tin, lúc nào cũng sợ sai. Được thầy Thanh Vân, giảng viên môn Xướng âm của Nhạc viện tư vấn, cô chuyển sang ôn thi vào ngành Chỉ huy Giao hưởng. Năm 2006, Nguyễn Thị Hải Yến đỗ thủ khoa thi đầu vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chuyên ngành Chỉ huy giao hưởng.

Đây là bước chuyển rất lớn trong cuộc đời học nhạc của em. Cho đến bây giờ và về sau, em luôn biết ơn thầy Thanh Vân – người đã mở ra cho em một cánh cửa mới, em được thấy rất nhiều điều hay ho, kỳ lạ khi chuyển sang học chỉ huy” – Yến chia sẻ - “Ngành chỉ huy cực kỳ khó và nhiều áp lực. Nhiều người cứ tưởng chỉ đứng lên múa may trước dàn nhạc thôi, nhưng học thì mới biết để được có giây phút “múa” đó thì trước đấy đã phải tập nhiều kinh khủng với dàn nhạc thế nào. Đã là chỉ huy thì phải có tai nghe rất tốt, hiểu biết âm nhạc, tác phẩm âm nhạc sâu rộng, có uy và sự uyên bác để “chỉ đạo” được người khác, các hướng dẫn đưa ra phải chính xác, các lời nói đưa ra phải thuyết phục, phải vững vàng đứng trước các nghệ sỹ - nhạc công cũng vô cùng giỏi giang và am hiểu âm nhạc… Em biết mình vẫn phải học hỏi rất nhiều”.

“Nghệ thuật hợp xướng giúp tôi tìm thấy ý nghĩa đời mình”

Tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Chỉ huy giao hưởng, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Yến tiếp tục học lên Cao học và lấy bằng Thạc sỹ năm 2012. Thế nhưng, chỉ đến khi được làm việc cùng nghệ sỹ Đặng Châu Anh, ngành Chỉ huy, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, người sáng lập, Giám đốc nghệ thuật của Tổ chức Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam Sol Art, Yến mới thực sự như cá gặp nước. “Cô Châu Anh chính là người truyền cho em niềm đam mê với nghệ thuật hợp xướng. Ở Sol Art, em bắt đầu một chặng đường âm nhạc mới, vui tươi, nồng nhiệt, tràn đầy tình yêu con người, trẻ con, bạn bè, đồng nghiệp, những khung trời mới, những âm nhạc mới. Em tìm thấy niềm vui trong những bản nhạc giản dị. Em tìm thấy ý nghĩa sống của đời mình. Em được sống hết mình trong thanh xuân cho âm nhạc, cho những công việc từ thiện, hay các dự án âm nhạc vì cộng đồng. Lần đầu tiên trong đời, em biết mình thích dạy học.”

Nguyễn Hải Yến – Cô phù thủy của dàn hợp xướng - ảnh 3

Một buổi biểu diễn của dàn hợp xướng đa dạng.

Từ năm 2011, Yến liên tục gặt hái thành công tại các Liên hoan Hợp xướng trong nước và quốc tế, như Huy chương Bạc Liên hoan Hợp xướng Quốc tế Hội An năm 2011, Huy chương Vàng Liên hoan Hợp xướng Quốc tế Johannes Brahms tại CHLB Đức năm 2013, Giải Trình diễn ấn tượng, Giải Đặc biệt do công chúng bình chọn cũng tại Liên hoan Hợp xướng Johannes Brahms các năm 2011, 2013. Cô đam mê công việc giảng dạy thanh nhạc và chỉ huy các dàn hợp xướng thiếu nhi, hợp xướng của người cao tuổi, tham gia các dự án âm nhạc cộng đồng lớn...

Yến quyết liệt và hồn nhiên. Cô không chờ cơ hội đến với mình mà tự mình tạo ra cơ hội. Cô tự tìm đến các dự án âm nhạc, ban đầu, chỉ là “xin” chân hỗ trợ, cốt để được học hỏi, rồi dần dần, cô chinh phục được từ giám đốc dự án đến các thành viên. Với Yến, Dự án Hợp xướng Đa dạng của Viện iSEE là dự án đặc biệt nhất mà cô tham gia cho tới lúc này. “Đặc biệt nhất là vì nó đa dạng và khó nhất cũng vì đa dạng. Mọi người đến từ nhiều lứa tuổi, nhiều nhóm cộng đồng, mỗi người có chất giọng riêng, với tâm thế, câu chuyện, nỗi lòng, niềm trông đợi vào dự án của riêng mình. Dung hoà tất cả những điều đó với số lượng 70 người là một thách thức lớn với em. Nhưng tất cả đều chung một điều niềm say nhạc, say hát đến bất chấp, còn em thì say nghề cũng bất chấp. Thế là tất cả cứ say cùng nhau với đủ mọi cung bậc cảm xúc”.

Nguyễn Hải Yến – Cô phù thủy của dàn hợp xướng - ảnh 4

Ngày 20/7 tới, Hợp xướng Đa dạng, với chỉ huy Nguyễn Hải Yến, sẽ có buổi biểu diễn chính thức tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cùng với Hợp xướng Tự hào Thái Bình Dương (Pride Pacific Choir) của Australia. Không dễ để thành lập được một dàn hợp xướng với đủ lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, thân phận… như Hợp xướng Đa dạng. Vì thế, cũng như mỗi thành viên Dự án, nữ chỉ huy hợp xướng cũng có những kỳ vọng và trăn trở riêng về chặng đường phát triển lâu dài của Hợp xướng Đa dạng: Em muốn Hợp xướng Đa dạng trở thành biểu tượng cho tinh thần nhân văn của nhiều cộng đồng trong xã hội, trở thành hình mẫu để nói lên tiếng nói của các cộng đồng, dùng âm nhạc truyền đi tình yêu thương và sự bình đẳng, vì một xã hội tốt đẹp hơn. Em cũng muốn Hợp xướng Đa dạng sẽ nâng cao chất lượng chuyên môn để có thể là đại diện của Việt Nam trong các Liên hoan hợp xướng quốc tế, đem tiếng nói của mình đi truyền bá, giao lưu với nhiều bạn bè thế giới”.

Hợp xướng Đa dạng là Dự án âm nhạc cộng đồng và phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE khởi xướng và thực hiện. Hợp xướng quy tụ 70 thành viên từ 7-74 tuổi, đến từ nhiều nhóm cộng đồng khác nhau trong xã hội, trong đó có những nhóm được coi là yếu thế như: người khuyết tật, người cao tuổi, người LGBTQ+… Mục tiêu của dự án là thông qua âm nhạc, cụ thể là nghệ thuật hợp xướng, để xóa bỏ kỳ thị, tôn vinh sự đa dạng, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân, từ đó cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác