Những tín hiệu trước thềm Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20

(VOV5) - Bên cạnh những cái chưa được trọn vẹn như không có phim nhà nước, thì sự tiến bộ chung của điện ảnh Việt, trong đó vai trò của các hãng phim tư nhân là rất lớn

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 bắt đầu khởi động. Các phim được gửi đến để tham dự sân chơi lớn nhất của giới điện ảnh trong nước này sẽ được chọn lọc, nhưng điều đầu tiên có thể thấy là sẽ không có một bộ phim nhà nước nào tham dự trong Liên hoan phim năm nay.

Những tín hiệu trước thềm Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 - ảnh 1Cảnh trong phim Đảo của dân ngụ cư 

Mười năm nay, Liên hoan phim Việt Nam đã được tổ chức thành thông lệ, đều đặn hai năm một lần. Có thể nói, việc sẽ không có bộ phim nhà nước nào trong Liên hoan phim Việt Nam lần này là điều chưa từng, và là một thực tế khách quan mà ban tổ chức LHP lần thứ 20 cũng không mong muốn: Hai năm qua quy định về phim đặt hàng vẫn chưa hoàn tất và không có bộ phim nào được ra đời theo diện Nhà nước đặt hàng trong khi các hãng phim nhà nước đều đã được cổ phần hóa.

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh trong buổi họp báo giới thiệu Liên hoan phim cho biếtt, Ban tổ chức rất trăn trở về việc không có phim nhà nước tham gia LHP lần này, "vì cuộc thi nếu có sự tham gia đầy đủ của các thành phần sản xuất phim thì LHP sẽ trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy tín hiệu tích cực từ sự phát triển, hướng tới khán giả của các phim do các nhà sản xuất tư nhân thực hiện": “Các hãng phim tư nhân một vài kỳ gần đây và đặc biệt là kỳ LHP 19, những bộ phim kém chất lượng cũng giảm đi rất nhiều. Và ban tổ chức không chọn những bộ phim kém chất lượng vào thành phần dự thi.”

LHP 20 sẽ đánh dấu một quãng đường trăn trở tìm hướng phát triển của các nhà sản xuất điện ảnh Việt. Trên thực tế, khi khối phim “nhà nước sản xuất” thúc thủ, năm 2016 phim điện ảnh Việt có gần 45 phim tư nhân ra rạp nhưng không làm nên một sự kiện nào ngoạn mục gây sốt hay nóng phòng vé.

Bù lại, đến năm 2017, với những thể loại, đề tài quen thuộc từ hài, kinh dị, hành động, tâm lý xã hội, các nhà sản xuất phim đưa hàng loạt đạo diễn đang “hot” thực hiện các dự án lớn, như "Em chưa 18" của Charlie Nguyễn và Lê Thanh Sơn, "Cô gái đến từ hôm qua" của Phan Gia Nhật Linh (phim chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh) …

Những tín hiệu trước thềm Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 - ảnh 2 Diễn viên Miu Lê trong phim Cô gái đến từ hôm qua

Nhiều bộ phim đạt giải thưởng tại một số LHP quốc tế như “Cha cõng con”, “Đảo của dân ngụ cư”... Nhiều bộ phim được khán giả quan tâm như “Bạn gái tôi là sếp”, “Dạ cổ hoài lang”, “Lô tô”, “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”,“Em chưa 18”.

Theo bà Ngô Phương Lan, có những tín hiệu đáng mừng về phim Việt thời kỳ này: “Thời gian vừa rồi bên cạnh những bộ phim có tính giải trí, câu khách, cũng rất nhiều phim mà hãng phim tư nhân hướng đến chất lượng nghệ thuật cao. Tôi nghĩ bên cạnh những cái chúng ta cảm thấy chưa được trọn vẹn như là không có phim nhà nước, thì sự tiến bộ chung của điện ảnh Việt, trong đó vai trò của các hãng phim tư nhân là rất lớn. Sự định hướng của Cục thông qua cách thẩm định, thông qua các kỳ cuộc thi cũng có giá trị ít nhiều.”

Điều này cũng phản ánh thực tế của quy luật phát triển. Điện ảnh luôn luôn đã và sẽ là ngành sản xuất cần chi phí đầu tư lớn. Phải có nhà đầu tư thì phim mới có điều kiện ra đời. Khối sản xuất phim tư nhân, với tất cả sự năng động vốn có, và sự nhạy bén với thị trường, chấp nhận rủi ro của việc bỏ vốn sản xuất và phát hành, kể cả trong dòng phim thương mại và phim tác giả. Vì thế, bên cạnh những trả giá sai lầm của một số nhà sản xuất vì những lựa chọn “thảm họa”, thì cúng có người nhận được những trái ngọt ban đầu là những bộ phim có chất lượng, được khán giả yêu thích. Và như vậy, những phim do nhà nước đặt hàng, sản xuất, theo quy luật cũng sẽ phải vận động trong một thị trường cạnh tranh đúng nghĩa điện ảnh như là một ngành công nghiệp văn hóa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác