(VOV5) - Việt Nam có cơ hội rất lớn để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi năng lượng xanh nhờ nguồn tài nguyên về năng lượng tái tạo rất dồi dào.
Các ý kiến tại hội thảo sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, pháp luật và thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững
|
Sáng 18/9 tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Chuyển đổi năng lượng vì mục tiêu phát triển bền vững”.
Hội thảo nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia Đan Mạch với các đại biểu Quốc hội Việt Nam và các đối tượng liên quan về phát triển năng lượng bền vững của Đan Mạch và giải pháp có thể áp dụng tại Việt Nam.
Phát biểu tại đây, ông Lê Hùng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng: "Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, việc tìm kiếm, khai thác chuyển đổi các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững là rất cần thiết đối với Việt Nam. Các ý kiến tại hội thảo sẽ là nguồn thông tin quý báu và là cơ sở quan trọng để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tham gia, đề xuất để hoàn thiện chính sách, pháp luật và thúc đẩy năng lượng truyền thống sang năng lượng mới, tiết kiệm, hiệu quả để hướng tới phát triển bền vững".
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen cho rằng: "Việt Nam có cơ hội rất lớn, độc đáo để có thể hiện thực hóa quá trình chuyển đổi năng lượng xanh nhờ nguồn tài nguyên về năng lượng tái tạo rất dồi dào. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức ở các cấp độ khác nhau, như cường độ năng lượng rất cao và mức tiêu thụ năng lượng tăng nhanh chóng. Làm thế nào để đưa năng lượng tái tạo vào hệ thống điện năng của Việt Nam là một thách thức và chúng ta cần lập quy hoạch năng lượng làm cơ sở để Việt Nam nâng cao hiệu quả. Những năm qua, Việt Nam và Đan Mạch đã phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng và chúng tôi luôn luôn mong muốn được hỗ trợ Việt Nam để có thể giải quyết những thách thức này và có thể mở khóa được tiềm năng của Việt Nam để xây dựng một nên kinh tế với mức cacbon thấp hơn".
Tại Hội thảo, các chuyên gia Đan Mạch và Việt Nam trình bày các tham luận về các vấn đề liên quan đến Hệ thống chính sách, các mô hình năng lượng tái tạo ở Việt Nam và quá trình phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo của Đan Mạch, cũng như tác động của các chính sách thuế, trợ giá trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch (DEPP) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ trị giá hơn 3 triệu USD cho Việt Nam với mục tiêu triển khai ứng dụng rộng rãi các cơ hội chuyển đổi carbon thấp, tối ưu về chi phí trong hệ thống năng lượng tại Việt Nam. Chương trình được chia thành 3 hợp phần, trong đó vào cuối năm nay, hai bên sẽ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2019.