Ngày cà phê Việt Nam và phát triển ngành cà phê Việt Nam

(VOV5) - Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy ngày 10/12 hàng năm là Ngày cà phê Việt Nam.

Đồng thời, cũng có quyết định đưa mặt hàng cà phê chất lượng cao vào danh mục các sản phẩm quốc gia. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo điều kiện cho ngành cà phê Việt Nam phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay.       

Với chủ đề “Thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam”, Ngày cà phê Việt Nam lần thứ nhất năm 2017 diễn ra trong thời gian 3 ngày, từ ngày 9 đến ngày 11/12/2017 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tham dự Ngày cà phê Việt Nam lần này có các đại biểu đến từ nhiều quốc gia sản xuất và kinh doanh cà phê trên thế giới.  Đây là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh cà phê Việt Nam và Ngày cà phê Việt Nam cũng là nơi các đối tác gặp gỡ, giao lưu, ký kết các hợp đồng kinh tế”.

Ngày cà phê Việt Nam và phát triển ngành cà phê Việt Nam - ảnh 1Phát triển thương hiệu đặc sản cà phê để nâng cao giá trị ngành hàng 

Phát triển và thách thức

Trong 30 năm qua, ngành cà phê Việt Nam đạt được kết quả tăng trưởng ngoạn mục. Năm 1991, sản lượng cà phê Việt Nam mới chỉ đạt 1% thị phần thế giới, nhưng đến niên vụ 2015-2016, Việt Nam đã chiếm gần 20% sản lượng của thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành cà phê chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu. Năm 2016 ngành cà phê chịu cảnh hạn hán gay gắt nhất trong vòng 30 năm qua. Trong khi đó, lượng cà phê già cần phải tái canh trong 5 năm tới lên đến 160.000 ha, nhưng tiến độ tái canh tại các tỉnh Tây Nguyên diễn ra chậm chạp. Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam Lương Văn Tự cho biết: “Sau 30 năm cà phê già cỗi nên phải thay một thế hệ cà phê mới và phải nghĩ đến chuyện nâng cao giá trị gia tăng để trong chu kỳ 15 năm tới  chúng ta có thể xuất khẩu được 6 tỉ USD thay vì chỉ 3 tỉ USD như hiện nay. Nếu tốc độ đầu tư hòa tan và rang xay nhanh thì thời gian có thể rút ngắn đi. Hiện nay có nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vì chúng ta có vùng nguyên liệu phong phú và từ Việt Nam xuất đi được hưởng ưu đãi thuế. Mới đây Tập đoàn Tata của Ấn Độ đã đầu tư nhà máy cà phê hòa tan sản lượng 6.000 tấn, với vốn đầu tư 60 triệu USD…”

Hướng phát triển của ngành cà phê Việt Nam

Hiện cả nước có 645.000ha cà phê, sản lượng xuất khẩu năm 2016 là 1,79 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, trong đó cà phê chế biến rang xay và hòa tan chiếm trên 10% tổng giá trị. Trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế, ngành cà phê phấn đấu hoàn thành 2 mục tiêu, bao gồm: giữ vững vị trí thứ 2 về sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân trên thế giới; Đẩy mạnh khâu chế biến cà phê rang xay, hòa tan, các sản phẩm khác đưa giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, dư địa giá trị gia tăng của ngành cà phê còn nhiều.  Do vậy, ngành cà phê cần có nguồn vốn lớn và thực hiện đồng bộ các giải pháp làm tăng năng suất cây trồng và chất lượng của các sản phẩm chế biến. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, ngành cà phê cần thúc đẩy kết nối giao thương, quảng bá ngành hàng. Trong bối cảnh đó việc tổ chức Ngày cà phê Việt Nam hàng năm, cũng là nhằm đạt đến những mục tiêu này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác