(VOV5)- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa ký chứng thực Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã được các đại biểu Quốc hội thông qua trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Theo đó, mục tiêu đặt ra cho năm 2015 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Tiếp tục phát triển các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế. Việt Nam phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014, theo đó GDP tăng 6,2%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động...
Để thực hiện các mục tiêu này, Quốc hội yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, Chính phủ cần tập trung hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, rà soát, bổ sung các chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định; tiếp tục bảo đảm chính sách an sinh xã hội. Chính phủ cần thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương; tiếp tục củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường đối thoại, hợp tác với các đối tác, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng và trong khu vực, kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia bằng các biện pháp phù hợp và tuân thủ luật pháp quốc tế.