(VOV5) - Tiếp tục phiên họp thứ 42, sáng nay, 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kì họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới.
|
Các đại biểu Quốc hội tiêp tục cho ý kiến vào các dự luật quan trọng. Ảnh minh họa: Võ Hải. |
Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 16 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, trong đó có những dự án Luật rất quan trọng như dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật trưng cầu ý dân; Luật an toàn thông tin… Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến các dự án Luật về hội; Luật báo chí (sửa đổi), Luật tiếp cận thông tin; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật dược (sửa đổi)…
Về công tác giám sát, Quốc hội sẽ xem xét quyết định các vấn đề kinh tế- xã hội; cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020; xem xét các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015.
Kỳ họp cũng sẽ xem xét các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015. Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014.
Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).
Chiều 13/10, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày
báo cáo của Chính phủ. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến. |
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết gia nhập Công ước này. Các quy định của Công ước La Hay phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam. Công ước này cũng thể hiện đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế của Việt Nam trong Hiến pháp năm 2013. Các ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc cần tiến hành sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành trong thời gian tới như Luật Tương trợ tư pháp, Bộ luật Tố tụng dân sự nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc thực thi Công ước và phát huy quyền của quốc gia thành viên Công ước.