(VOV5) - Các chuyên gia nhận định giai đoạn 2024 - 2030 là giai đoạn quyết định để Việt Nam chuyển mình thành một nước công nghiệp.
“30 năm phát triển của Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới” là chủ đề của tọa đàm đối thoại chính sách diễn ra hôm qua (22/02), tại Hà Nội, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức.
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: NEU |
Tại tọa đàm, nhiều diễn giả trong nước và quốc tế đã đánh giá tổng quan về tình hình phát triển của Việt Nam trong 30 năm qua và phân tích những tồn tại, vấn đề đặt ra cho nền kinh tế; phân tích các chính sách phát triển của Việt Nam, so sánh với kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực về xây dựng và thực thi chính sách phát triển. Đồng thời, gợi ý một số chính sách cho Chính phủ, các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm ứng phó với thách thức mới.
Các chuyên gia nhận định giai đoạn 2024 - 2030 là giai đoạn quyết định để Việt Nam chuyển mình thành một nước công nghiệp theo tinh thần của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Đây là thời mốc quan trọng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế Việt Nam.
Giáo sư Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, nhân định dù Việt Nam có nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, cùng sự “trỗi dậy” của một số doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tuy nhiên, Việt Nam cần nhiều hơn thế, bằng cách nâng cao năng lực lãnh đạo cũng như tích cực thúc đẩy công nghệ và đổi mới.