Về Hậu Giang ngắm làng trầu lớn nhất miền Tây
Tấn Phong/VOV-ĐBSCL -  
(VOV5) -Làng trầu Vị Thủy đã đã tồn tại gần trăm năm. Có hộ gia đình ở đây đã trải qua bốn đời gắn bó với dây trầu.
Khi đến huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, du khách đều ấn tượng trước những vườn trầu với hàng trăm, hàng ngàn nọc trầu có lá xanh mơn mởn, phơn phớt vàng óng ả vươn mình giữa vùng quê yên bình. Nghề trồng trầu lấy lá đã gắn bó và trở thành nét đặc trưng của người dân ở vùng đất này từ lâu. Đây được xem là Làng trầu lớn nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tồn tại từ lâu đời.
Làng trầu Vị Thủy nằm ở xã Vị thủy, huyện Vị Thủy cách trung tâm huyện chưa đến 3km.
Làng trầu Vị Thủy đã đã tồn tại gần trăm năm. Có hộ gia đình ở đây đã trải qua bốn đời gắn bó với dây trầu.
Hiện toàn xã Vị Thủy có hơn 200 hộ trồng trầu, với tổng diện tích hơn 40ha, tập trung chủ yếu tại ấp 5 và ấp 7.
Được thiên nhiên ưu đãi nên trầu Vị Thủy luôn tươi tốt, lá trầu to có màu vàng, hương vị cay nồng được nhiều người yêu thích.
Để có được vườn trầu xanh tốt, người dân trồng trầu nơi đây phải trải qua nhiều công đoạn: mua hom giống, chọn cây làm nọc, khai mương, đơm gốc, tưới nước…. Nọc trầu được người dân làm bằng cây tràm, vì thân tràm giúp trầu bám rễ, phát triển tốt.
Trầu từ khi trồng đến thu hoạch lá khoảng 3-4 tháng. Sau đó, mỗi tháng người dân có 3 đợt thu hoạch lá trầu, mỗi đợt cánh nhau 10 ngày.
Với 1 công trầu, mỗi đợt thu hoạch khoảng 5.000 ốp (mỗi ốp 40 lá trầu) bán với giá 5.500 - 6.000 đồng/ốp, thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng, người trồng trầu có thu nhập khoảng 9 triệu đồng. Với những tháng Tết thu nhập càng cao vì lúc này giá trầu tăng 11.000 - 15.000 đồng/ốp.
Người dân thường tranh thủ thu hoạch lá trầu vào buổi sáng sớm để tránh nắng làm cho lá trầu héo.
Khi đến đợt thu hoạch, nhân công sẽ lựa những lá trầu bóng mượt, vừa chín tới vàng óng để hái
Khi dây trầu bám nọc vươn lên cao, người dân phải bắc thang để hái lá.
Lá trầu sau khi hái sẽ được thu gom vào để nơi mát mẻ, không nắng.
Sau đó được người dân liễn trầu (xếp trầu thành từng ốp) gọn gàng rồi giao cho thương lái mang đi tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh, xuất sang Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc)…
Dây trầu không chỉ giúp người dân trồng trầu ở Vị Thủy có kinh tế khấm khá mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương từ việc trồng, chăm sóc, hái, xếp lá trầu thuê.
Năm 2020, để tạo thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm, bà con trồng trầu ở xã Vị Thủy đã liên kết thành lập Hợp tác xã Trầu Vàng với 24 thành viên canh tác 16ha trầu. Trung bình mỗi tháng Hợp tác xã cung ứng khoảng 5.000 – 6.000 ốp trầu cho thị trường. Trước đó vào năm 2019, Làng trầu Vị Thủy cũng đã được UBND tỉnh Hậu Giang công nhận là làng nghề truyền thống.
Huyện Vị Thủy đang trong lộ trình phát triển Làng trầu trở thành điểm du lịch cộng đồng độc đáo. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư tận dụng phụ phẩm từ dây trầu để chiết xuất tinh dầu hoặc dung dịch vệ sinh...để giúp bà con địa phương tăng thêm thu nhập.
Ngày nay, còn rất ít người ăn trầu, nên trước ngõ, sau nhà của mỗi gia đình không còn thấy nhiều nữa cây cau, dây trầu. Tuy nhiên tại vùng quê Vị Thủy vẫn còn đó những vườn trầu xanh mát, vàng ươm, tạo nên một không gian bình yên, thơ mộng giữa đất trời miền Tây.
Tấn Phong/VOV-ĐBSCL