Lối sống của cộng đồng Việt ở CH Czech dần thay đổi so với thế hế đầu tiên những năm 70, lớp trẻ nỗ lực xây dựng nhịp cầu văn hóa.
Một phòng trưng bày ở thủ đô Prague mở cửa trong tháng 4 vừa qua, chào đón khách thưởng lãm đến với sự kiện “Czech Vietnam” nhằm gắn kết hơn nữa giữa người Việt và người Czech.
Những con người cần mẫn
Đối với nhiều người Czech, các tiệm làm móng, cửa hàng quần áo, rau quả của người Việt dần trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày. Dù một số người Việt thế hệ trước gặp khó khăn khi trao đổi với người bản địa nhưng hầu hết đều được trân trọng vì thái độ làm việc cần mẫn. Jan Látal, một người đồng sáng lập phòng trưng bày Druzina ở Prague, nhận xét: “Điều duy nhất tôi biết về người Việt là họ làm việc rất siêng năng và không bao giờ nghỉ ngơi”.
|
Trang Lương (trái) và Diana Nguyễn đứng cạnh tác phẩm về cuộc sống người
Việt ở Cộng hòa Czech (Ảnh: RADIO PRAGUE)
|
Một lần khi đang ở trong cửa hàng rau quả của người Việt, Jan Látal bỗng tò mò muốn biết về sự thay đổi của những người đến từ nước ở châu Á này sau nhiều năm sinh sống tại đây. Do đó, ông và các đồng sự đã cố hết sức để giúp đỡ cho triển lãm tranh của 2 thiếu nữ Việt: Trang Lương và Diana Nguyễn, một sinh viên và một học sinh trung học chào đời ở Czech.
“Tôi thật sự vui mừng khi gặp được 2 cô bé người Việt và hiểu thêm được nhiều điều về văn hóa của các cháu” - Jan Látal nói. Qua nhiều thập kỷ, người Czech luôn đóng đinh người Việt trong một khuôn mẫu nhất định: “những người bán hàng”. Theo chia sẻ của Diana Nguyễn, “họ không nghĩ chúng cháu là sinh viên, học sinh, đã và đang lớn lên cùng với con em mình. Cháu nghĩ rằng người Việt thế hệ trước không cảm thấy điều này”.
Thông điệp từ nghệ thuật
Đối với những thế hệ thanh niên Việt sinh ra và lớn lên tại Czech, châu Âu là nhà của họ dù văn hóa và truyền thống tiên rồng vẫn gắn liền với cuộc sống thường nhật. Trang Lương nói với đài phát thanh Prague: “Những người Việt trẻ có mục tiêu khác hoàn toàn thế hệ đi trước. Cha mẹ chúng tôi mong muốn bảo đảm sinh kế cho gia đình nhưng đến thế hệ con cháu thì mọi chuyện đã khác. Ngày nay, chúng tôi bị lối sống phương Tây ảnh hưởng và không làm việc quần quật như cha anh”. Trong một bức tranh của 2 thiếu nữ Việt, họ vẽ lại lịch trình hằng ngày để thấy rằng thế hệ trẻ đã hòa nhập vào nước sở tại, ít nhiều khác với hình ảnh của cha mẹ họ.
“Tôi nghĩ rằng nhiều thứ sẽ thay đổi khi thế hệ kế tiếp của người Việt trưởng thành. Họ thông minh, tự tin và sẽ phô diễn khả năng trong tương lai. Dĩ nhiên, chúng tôi mong ngóng điều đó xảy ra. Thế hệ trẻ là tương lai của cộng đồng này và họ có thể sẽ thay đổi định kiến của người Czech” - Jan Látal nói. Không những thế, Jan Látal hy vọng triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt trẻ sẽ giúp người Czech hiểu thêm về tâm hồn Việt.
Cả Trang Lương và Diana Nguyễn đều nói rằng những tác phẩm của mình phản ánh bản chất con người Việt Nam. “Thực tế, gốc gác làm tôi khác biệt những họa sĩ Czech khác. Trong tranh của tôi thường có những biểu trưng rất Việt Nam chẳng hạn như gia đình” - Trang Lương nói. Jan Látal lập luận rằng “những thông điệp nghệ thuật từ người Việt rất quan trọng trong việc hiểu hơn về văn hóa và hình ảnh cộng đồng này”.
Cộng đồng Việt đông thứ ba
Theo ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Czech, hội đã nhiều lần đệ đơn đề nghị chính phủ Czech công nhận người Việt là dân tộc thiểu số thứ 13. “Lý do vì chúng tôi muốn đòi hỏi quyền bình đẳng cho cộng đồng người Việt Nam” - báo Prague Daily Monitor dẫn lời ông Thắng cho biết. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Czech, đến cuối tháng 9-2012 ở Czech có 57.762 người Việt định cư, sinh sống hợp pháp. Cộng đồng người Việt Nam tại Czech là cộng đồng người nước ngoài đông thứ ba, sau người Ukraine và Slovakia./.