Di cảo Nguyễn Huy Thiệp “Anh hùng còn chi “: một hành trình tìm Đạo trong văn chương
Nguyễn Hà -  
(VOV5) - Di cảo cho thấy được hành trình đi vào văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, từ những bước đi đầu tiên.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một trong những tên tuổi nổi danh bậc nhất trong nền văn học hiện đại nước nhà. Hơn hai năm sau khi ông qua đời, di cảo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp “Anh hùng còn chi” (do TS. Mai Anh Tuấn biên soạn) đã được ra mắt độc giả. Sách do NXB Hội Nhà văn cùng Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam ấn hành.
“Anh hùng còn chi” là thành quả từ quá trình tìm kiếm, lựa chọn và giới thiệu những bài thơ chưa từng được biết đến của Nguyễn Huy Thiệp, một số truyện ngắn đã xuất bản nhưng vì lý do nào đó bị lãng quên, các kịch bản phim, tiểu luận, những ký họa trên gốm, cùng những tấm ảnh tư liệu quý giá trong cuộc đời nhà văn.
Cuốn sách được kì vọng sẽ đem đến cho độc giả một hình dung đầy đủ, tổng thể hơn về sự nghiệp văn chương cũng như cuộc đời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ những năm 1970 cho đến khi ông rời cõi tạm.
Về cuốn sách này, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam có cuộc trò chuyện với nhà phê bình văn học, PGS. TS Văn Giá.
PGS-TS Văn Giá - Ảnh: Báo Đại đoàn kết |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
“Về vấn đề đào tạo viết văn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho rằng trên thực tế, về mặt nguyên lý, không đào tạo được người viết văn. Nhưng người viết văn thì phải học và cần phải dạy. Ở đây, cách hiểu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không chỉ đề cao câu chuyện cần phải học và cần phải dạy, mặc dù biết rằng không dạy được nhưng vẫn phải dạy và người đi học vẫn phải học - đây cũng là cái nhìn rất thực tiễn của nhà văn nhưng đồng thời, ông cũng muốn đẩy lên một cấp độ cao hơn là cấp độ Đạo. Ông cho rằng viết văn chẳng qua là việc đi tìm Đạo và biểu đạt cái Đạo ra thành ngôn từ. Điều này nhất quán trong toàn bộ sáng tác của ông, nhất là những năm cuối đời, ông trở đi trở lại với vấn đề Đạo. Đạo là gì? Đạo trong văn chương thế nào? Biểu đạt Đạo thế nào? Thậm chí biểu đạt cái Vô Đạo của đời sống như thế nào? Cái này rất nhất quán. Và được sáng rõ trong tác phẩm “Anh hùng còn chi”.
(Nhà phê bình văn học Văn Giá)
Nguyễn Hà