Như VOV.VN đã đưa tin, tối 27/11 (giờ Paris), kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh của Việt Nam là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Bên cạnh niềm tự hào và vinh dự, vẫn còn nhiều nỗi lo về việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh trong thời kỳ đương đại.
Đoàn Việt Nam tại phiên họp của UNESCO công nhận Ví, Giặm là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới (Ảnh: Thùy Vân)
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Trương Quốc Bình, ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, thành viên Hội đồng thẩm định hồ sơ Ví, Giặm đệ trình UNESCO về vấn đề này.
Ví, Giặm – di sản văn hóa phi vật thể thứ 9 của Việt Nam
PV: Là một trong những người trực tiếp tham gia thẩm định hồ sơ Ví, Giặm, ông đánh giá thế nào về việc Ví, Giặm của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?
PGS.TS Trương Quốc Bình: Thêm một di sản được vinh danh thì vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế về di sản văn hóa được nâng cao. Đến nay, chúng ta đã có 9 di sản văn hóa thế giới phi vật thể được thế giới công nhận như Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù, Hát xoan, dân ca Quan họ… Sau Đờn ca tài tử Nam Bộ, chúng ta có thêm một di sản nữa ở khu vực miền Trung là dân ca Ví, Giặm ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Điều này góp phần tạo nên một bức tranh toàn cảnh, phong phú và đa dạng về các di sản văn hóa dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật ở nhiều địa bàn khác nhau. Góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, tăng thêm tình yêu quê hương đất nước và làm sâu sắc niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam.
Là một trong những người gắn bó với việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam ra với quốc tế, trực tiếp tham gia thẩm định hồ sơ Ví, Giặm đệ trình lên UNESCO, tôi cũng đã tiên liệu việc loại hình nghệ thuật truyền thống này sẽ được công nhận tại kỳ họp thứ 9 của UNESCO tại Paris (Pháp).
PV: Ví, Giặm ra đời và phát triển từ cuộc sống lao động, từ những nếp sinh hoạt bình dị của người dân ở hai vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Vậy, nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật này là gì để nó trở thành di sản văn hóa của cả thế giới?
PGS.TS Trương Quốc Bình: Ví, Giặm là hai thể loại hát dân ca do cộng đồng người Việt ở tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo trong quá trình sinh hoạt và lao động, mang đậm bản sắc địa phương về điệu hát, ca từ, giọng điệu, âm điệu và được phổ cập ở hầu khắp các địa bàn, từ miền núi đến miền biển. Chính những điều này đã tạo nên đặc trưng và nét đặc sắc có một không hai trên thế giới.
Các chuyên gia ước tính có khoảng 15 điệu Ví và 8 điệu Giặm, được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường nón, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên…
Ca từ Ví, Giặm bằng thể thơ dân gian, cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát vì vậy luôn được trao truyền, kế thừa và sáng tạo. Nội dung Ví, Giặm phản ánh xã hội, lịch sử, thể hiện tâm tư, tình cảm, tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước… mang đậm tính nhân văn của người Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, hiện nay, sức sống của Ví Giặm còn rất mạnh và có nhu cầu cần được tiếp tục bảo vệ và phát huy hơn nữa.
Các cuộc liên hoan văn nghệ là cách để người dân Nghệ An và Hà Tĩnh bảo tồn những câu hò, điệu Ví (Ảnh: Phương Thúy)
Bảo tồn Ví, Giặm cần chính sách quản lý tốt
PV: Bất kỳ một di sản nào được vinh danh, bên cạnh niềm tự hào thì cũng phải kèm theo trách nhiệm quản lý và bảo tồn. Theo ông, thách thức lớn nhất trong việc bảo tồn Ví, Giặm hiện nay là gì?
PGS.TS Trương Quốc Bình: Theo Công ước về di sản văn hóa phi vật thể 2003 của UNESCO, Chính phủ các nước thành viên tham gia công ước, trong đó có Việt Nam đều phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ tốt di sản.
Trong quá khứ, chúng ta đã luôn tự hào khi có một số di sản đã được công nhận như Ca trù, Quan họ Bắc Ninh… Tuy nhiên, việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản, trong đó có Ví, Giặm còn tồn tại nhiều vấn đề.
Trong những năm qua, dư luận đã bày tỏ sự quan ngại, thậm chí là bất bình về một số cách thức quản lý và khai thác các di sản văn hóa phi vật thể đã và đang diễn ra. Sau khi được công nhận, do cách quản lý không tốt khiến di sản bị thương mại hóa, sân khấu hóa, làm di sản xa rời không gian truyền thống. Tôi cho rằng, đây là thách thức lớn nhất với di sản sau khi được vinh danh, cần phải quan tâm, bảo vệ cho hợp lý và có giải pháp truyền dạy cho thế hệ sau.
PV: Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, dân ca Ví, Giặm dường như đang gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và truyền dạy cho lớp trẻ?
PGS.TS Trương Quốc Bình: Trong bối cảnh đương đại, có nhiều di sản truyền thống không được mọi người quan tâm, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thế nhưng, chúng ta cũng phải thừa nhận, có một bộ phận giới trẻ rất yêu thích và quan tâm nghệ thuật truyền thống. Có những em mới 6 - 7 tuổi mà đã biết hát Ví, Giặm… Tại nhiều các địa phương, các em còn được dạy hát từ khi còn nhỏ. Xét về mặt tổng thể thì vốn truyền thống trong lĩnh vực âm nhạc và biểu diễn gần như chưa được chú trọng truyền giữ xứng tầm.
Nguyên nhân của vấn đề này là do hệ thống giáo dục xã hội trong những thập kỷ qua chưa được chú ý. Theo tôi, việc truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ phải được triển khai đồng bộ ngay từ khi các em còn nhỏ. Vì không có sự hiểu biết về nội dung, giá trị nên lớp trẻ mới không thích nghệ thuật truyền thống. Muốn thực hiện việc này phải mất nhiều công và phải có sự góp sức của toàn xã hội chứ không chỉ riêng ngành Giáo dục hay Văn hóa làm được. Nếu chúng ta có chính sách quản lý tốt thì dân ca Ví, Giặm sẽ duy trì và phát triển được như những loại hình khác.
Nhiều bạn trẻ ở Nghệ An và Hà Tĩnh được học hát dân ca từ nhỏ và tham gia vào các hội diễn, liên hoan (Ảnh: Phương Thúy)
PV: Về nguyên tắc, tất cả các hồ sơ đệ trình lên UNESCO để xét duyệt di sản văn hóa phi vật thể đều phải đưa ra những biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Trong hồ sơ của Ví, Giặm đã đưa ra những phương án gì, thưa ông?
PGS.TS Trương Quốc Bình: Trong hồ sơ xét duyệt di sản của Ví, Giặm cũng có những đề xuất cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bản thân địa phương phải có cam kết của cộng đồng dân cư, các CLB hoạt động Ví, Giặm tiêu biểu như Thanh Chương (Nghệ An), Thạch Hà (Hà Tĩnh)… và tát cả huyện, thị của hai tỉnh để bảo vệ và phát huy giá trị di sản, khiến di sản sống mãi trong lòng nhân dân.
Các cá nhân, nghệ nhân dân gian, đội ngũ nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp phải phối hợp để sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca Ví, Giặm và truyền dạy di sản này cho thế hệ trẻ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo của hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh cần tiếp tục hoàn thiện, mở rộng chương trình dạy hát Dân ca Ví, Giặm trong trường phổ thông. Bộ Văn hóa Thể thao, và Du lịch cùng với các Bộ, ngành liên quan và hai tỉnh xúc tiến việc tổ chức tôn vinh và có chính sách đãi ngộ các nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong việc sưu tầm và truyền dạy Ví, Giặm. Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí để tiếp tục xuất bản các công trình nghiên cứu và sưu tầm Dân ca Ví, Giặm, tổ chức các hội diễn, liên hoan Dân ca Ví, Giặm…
Hy vọng rằng, với những giải pháp đồng bộ này, dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh sẽ tiếp tục được bảo vệ và phát huy, xứng đáng là niềm tự hào của cả dân tộc.
PV: Xin cảm ơn ông./.