Bộ Chính trị gặp mặt cán bộ cấp cao nghỉ hưu phía Nam

(VOV5)- Hội nghị thông báo tình hình trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…

Ngày 15/10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị gặp mặt cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đã nghỉ hưu khu vực phía Nam để nghe thông báo tình hình trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua.

Bộ Chính trị gặp mặt cán bộ cấp cao nghỉ hưu phía Nam  - ảnh 1
Tổng Bí thư trò chuyện với các đại biểu dự hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe 3 báo cáo chuyên đề. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh trình bày báo cáo về “Những công việc mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian qua". Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung báo cáo về “Tình hình kinh tế - xã hội 3 năm 2011-2013 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014". Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn báo cáo về “Tình hình đối ngoại, quốc phòng và an ninh năm 2013".

Sau khi nghe báo cáo, một số đại biểu dự Hội nghị đã phát biểu ý kiến trao đổi, thảo luận.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định những cuộc gặp mặt như thế này là hết sức cần thiết và sẽ duy trì hai lần một năm để Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cung cấp tới các cán bộ nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng những thông tin chính thống, đầy đủ về tình hình đất nước, hoạt động của Đảng và Nhà nước.

Hội nghị này chủ yếu thông tin những nội dung Hội nghị Trung ương 8 vừa qua đã thảo luận, trong đó có những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Đảng, sự lãnh đạo của Đảng về đối ngoại, quốc phòng an ninh trong năm 2013 và đặt trong tổng thể 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Tổng Bí thư nêu rõ: Nhiệm vụ trong năm 2014 và trong hai năm 2014-2015 là tiếp tục phải đảm bảo phát triển bền vững. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi nhịp độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong công tác xây dựng Đảng, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cần phải làm kiên trì, thường xuyên, quyết liệt nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới. Vừa qua, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đảng viên, cán bộ lãnh đạo các cấp.

Về sửa đổi Hiến pháp 1992, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của đông đảo các tầng lớp nhân dân là một đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi, phát huy cao độ tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm của nhân dân. Việc hoàn thiện dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) đang được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các cơ quan chức năng tiến hành để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến, đóng góp tâm huyết, chân thành của các cán bộ nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã nêu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn các đồng chí tiếp tục đóng góp kinh nghiệm, trí tuệ cùng Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng Đảng ta ngày thêm vững mạnh./.

Phản hồi

Các tin/bài khác