Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Séc

(VOV5) -  Hai bên trao đổi thống nhất nhiều biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới trên các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.


Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thủ đô Praha, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Séc từ 10 - 13/5. Chiều 11/5, sau lễ đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Milos Zeman.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Séc - ảnh 1
Đại diện văn phòng Tổng thống, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Czech đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh TTXVN



Hai bên trao đổi thống nhất nhiều biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới trên các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định trong chính sách đối ngoại Việt Nam mong muốn củng cố. tăng cường hợp tác hữu nghị nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống, trong đó Cộng hòa Séc là một ưu tiên. Tổng thống Milos Zeman coi chuyến thăm Cộng hòa Séc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là dấu mốc quan trọng giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hai bên sẽ tổ chức trong năm 2015 các hoạt động kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Séc như Triển lãm ảnh, Tuần phim, trao đổi đoàn nghệ thuật… nhằm tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

Hai bên thống nhất cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế Việt Nam - Séc, tăng cường trao đổi thương mại song phương, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hợp tác. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, an ninh quốc phòng, văn hóa, thể thao, du lịch, giao thông vận tải. Tổng thống Milos Zeman ủng hộ Việt Nam tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU); thông báo Séc đã phê chuẩn Hiệp định khung Hợp tác đối tác toàn diện giữa EU và Việt Nam; cam kết sẽ thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định khung này đồng thời hoàn tất đàm phán ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU trong thời gian sớm nhất và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Hai bên cũng trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông và nhất trí mọi tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, nhằm bảo đảm ổn định, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác