Công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ

(VOV5) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá từ đầu nhiệm kỳ đại hội XII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ.

Công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ - ảnh 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp - Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Sáng 15/01, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 17 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2019; thảo luận, cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ đại hội XII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo lưu ý năm 2020, công tác PCTN cần tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt là tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội 13 của Đảng. Cố gắng không phải vì Đại hội mà chùng không đấu tranh phòng chống tham nhũng, mà càng đến Đại hội càng phải làm cho tốt. Quán triệt tinh thần là làm việc nào ra việc nấy, các công việc bổ sung cho nhau, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau, không cản trở. Làm Đại hội thật tốt thì phòng chống tham nhũng tốt. Mà phòng chống tham nhũng tốt, chọn nhân sự tốt thì Đại hội thành công tốt đẹp. Phải tiếp tục phát huy kết quả của năm 2019 không dừng, không nghỉ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu năm 2020, tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, định hướng lớn về phòng, chống tham nhũng trong các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Cùng với đó, tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ; rà soát, tổng kết, đánh giá kết quả thanh tra, kiểm toán đối với các dự án gây thất thoát lớn, thua lỗ kéo dài, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác