Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) kỳ vọng tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp

(VOV5) - Luật doanh nghiệp không chỉ là bộ luật của 800.000 doanh nghiệp mà còn là bộ luật của triệu hộ kinh doanh, họ cũng cần được đối xử bình đẳng.

Ngày 21/5, ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV. Một trong những nội dung được thảo luận trực tuyến là Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đề cập dự án này, một số đại biểu cho rằng, việc sửa đổi dự án Luật doanh nghiệp lần này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh.

Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) kỳ vọng tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp - ảnh 1 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho rằng, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư phải hướng tới tạo ra một khung khổ pháp lý thúc đẩy cho sự sáng tạo khởi nghiệp sau đại dịch Covid 19. Một trong những nội dung quan trọng là việc chính thức hóa địa vị pháp lý của các hộ kinh doanh, là một loại hình doanh nghiệp nhằm dỡ bỏ những rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của họ. Đồng thời tạo nên những áp lực cần thiết để thúc đẩy hộ kinh doanh minh bạch hóa hoạt động, tham gia vào thị trường trong nước và toàn cầu: Hiện nay khu vực các hộ kinh doanh đang chiếm tới 30 % GDP cả nước và khu vực đó hiện nay đang được coi là khu vực không chính thức. Cho nên việc đưa các hộ kinh doanh vào từng đối tượng điều chỉnh của Luật doanh nghiệp là một bước tiến đột phá của bộ luật này. Luật doanh nghiệp không chỉ là bộ luật của 800.000 doanh nghiệp mà còn là bộ luật của triệu hộ kinh doanh, họ cũng cần được đối xử bình đẳng.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp này sẽ tạo ra cuộc cải cách mới về cắt giảm thủ tục không cần thiết, nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, làm minh bạch hóa toàn bộ quá trình, từ việc thành lập đến tổ chức hoạt động quản trị doanh nghiệp: Thời gian vừa qua, đặc biệt là các công ty cổ phần tạo ra nhiều xung đột trong vấn đề cổ đông và hội đồng quản trị. Lần này chúng ta làm rõ ràng về quyền quản trị đến đâu, quyền các cổ đông đến đâu cho rành mạnh, rõ ràng để tránh tình trạng xung đột. Mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện thông thoáng nhất để chúng ta nâng cao năng lực quản trị, nâng cao sức mạnh của doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp đứng vững trên thị trường, có thể phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác