Hội nghị lần thứ 26 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982

(VOV5) - Hội nghị diễn ra từ ngày 20 – 24/6/2015 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) nhằm xem xét các báo cáo về hoạt động trong năm 2015 của Tòa án quốc tế về Luật Biển, Cơ quan Quyền lực đáy đại dương và Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa cũng như một số vấn đề khác.

Tại các phiên thảo luận của Hội nghị, đoàn Việt Nam đánh giá cao thành quả hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước, hoan nghênh Tòa án quốc tế về Luật biển đưa ra các phán quyết và ý kiến tư vấn trong năm 2015, góp phần làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. 

Hội nghị lần thứ 26 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 - ảnh 1
Đại sứ Nguyễn Phương Nga

Phát biểu tại Hội nghị ngày 23/6, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị, khẳng định ý nghĩa quan trọng của Công ước luật biển trong việc tạo khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên liên quan đến việc sử dụng biển và đại dương một cách hòa bình, công bằng, ổn định và hiệu quả, vì thịnh vượng chung của nhân loại. Đại sứ Nguyễn Phương Nga bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn làm thay đổi tính chất tự nhiên của một số cấu trúc ở Biển Đông, các hoạt động quân sự hóa, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Trưởng đoàn Việt Nam kêu gọi các bên liên quan cần chấm dứt ngay các hành động làm thay đổi nguyên trạng, phá hoại môi trường biển và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Đại sứ khẳng định lập trường của Việt Nam, theo đó các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển; các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phản hồi

Các tin/bài khác