Hội nhập quốc tế phải trở thành một động lực mạnh mẽ đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững

(VOV5) - Thủ tướng nhấn mạnh hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới phải bám sát và phục vụ hiệu quả cho chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ...

Hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới phải bám sát và phục vụ hiệu quả cho chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đưa hội nhập thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ giữ vững môi trường hòa bình ổn định, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế” diễn ra sáng nay (02/08), tại trụ sở Chính phủ.

Hội nhập quốc tế phải trở thành một động lực mạnh mẽ đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế được Bộ Chính trị Khóa XI ban hành cách đây 10 năm là văn bản có ý nghĩa định hướng chiến lược. Nghị quyết đã đánh dấu 3 bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam, đó là: bước chuyển lớn về nhận thức; bước chuyển lớn về hành động và bước chuyển mới cả về chất và lượng cho sự phát triển của đất nước trong 10 năm qua. “Thực hiện Nghị quyết này, chúng ta chuyển sang trạng thái chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo... 10 năm qua, chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Vị thế của đất nước được nâng lên trên trường quốc tế, từ đó, chúng ta có thêm nguồn lực. Việt Nam đã ký kết được 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang tiếp tục đàm phán các hiệp định khác. Trong 10 năm qua, đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện, và 7 nước lên Đối tác toàn diện. Từ đó, góp phần tạo ra mạng lưới đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với 33 nước trên thế giới.”

Đề cập đến một số định hướng và nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Đề án, Thủ tướng nhấn mạnh hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới phải bám sát và phục vụ hiệu quả cho chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đưa hội nhập thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng cho rằng sau 10 năm, Việt Nam đã tham gia vào nhiều tầng nấc hội nhập khác nhau cả song phương và đa phương. Đây là thời điểm để tạo ra được các bước phát triển mới về chất, tranh thủ hiệu quả các xu thế mới về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, về chuyển dịch, tái sắp xếp các chuỗi cung ứng, các mạng lưới FTA mà Việt Nam đã tham gia, các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện để đưa đất nước đạt vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới, tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển đất nước.  
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác