Khai mạc Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất

(VOV5) -  Thủ tướng nêu rõ Chính phủ sẽ nghiên cứu các cơ chế, chính sách, nhằm nâng cao hơn nữa các giá trị bảo tồn, phát triển các giá trị truyền thống đích thực của thổ cẩm.

Tối 14/1, tại khu đảo nổi Hồ Gia Nghĩa, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Văn hóa thổ cẩm – tinh hoa hội tụ” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức, đã chính thức khai mạc.

Khai mạc Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất là sáng kiến rất đáng trân trọng nhân kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 – 1/1/2019). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra một số quan điểm chiến lược trong bảo tồn phát triển văn hóa thổ cẩm ở Việt Nam: “Các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tích hợp khía cạnh văn hóa trong các sản phẩm thổ cẩm, gắn với từng vùng miền, từng cộng đồng vào chiến lược phát triển du lịch. Đặc biệt là các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, trải nghiệm miền núi từ Tây Bắc, Đông Bắc đến Tây nguyên. Hãy để mỗi một tấm thổ cẩm dệt ra đều hàm chứa những câu chuyện đặc sắc về lịch sử, về bản sắc văn hóa, về niềm tin và các giá trị thẩm mỹ đã làm nên sự đa dạng về văn hóa của 54 dân tộc anh em”.

Khai mạc Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất - ảnh 2 Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại lễ hội. - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Cho rằng cần tạo ra sự tương tác mạnh mẽ hơn nữa giữa sản phẩm thổ cẩm với các sản phẩm văn hóa khác, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ sẽ nghiên cứu các cơ chế, chính sách, nhằm nâng cao hơn nữa các giá trị bảo tồn, phát triển các giá trị truyền thống đích thực của thổ cẩm: “Chính phủ kêu gọi tinh thần khởi nghiệp trong đồng bào, đặc biệt là thanh niên, trong mục tiêu đánh thức mọi tiềm năng sản xuất kinh doanh thổ cẩm. Nếu Việt Nam không có những doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm thổ cẩm mạnh, có năng lực quản trị, trình độ công nghệ và tư duy thị trường tiên tiến, thì sản phẩm thổ cẩm của chúng ta khó có chỗ đứng trong nước và càng ít có khả năng được thị trường nước ngoài biết đến”.

Với chủ đề “Văn hóa thổ cẩm – tinh hoa hội tụ”, “Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I” thu hút hơn 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng là đồng bào các dân tộc thiểu số ở 17 tỉnh, thành phố và một số đoàn khách quốc tế tham gia.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác