Quốc hội thảo luận Dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

(VOV5) - Luật này áp dụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức cá nhân nước ngoài liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. 

Quốc hội thảo luận Dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước - ảnh 1

Các vị Đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 25/10

Chiều 25/10, Quốc hội khóa XIV thảo luận Dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. 

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 Chương, 38 Điều quy định về bí mật nhà nước, bảo vệ bí mật nhà nước; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo vệ bí mật nhà nước. Luật này áp dụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức cá nhân nước ngoài liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. 

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Võ Trọng Việt, cho biết: Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, gồm 5 chương, 28 điều với một số nội dung lớn như: về phạm vi bí mật nhà nước; về danh mục bí mật nhà nước; về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước.

Ông Võ Trọng Việt nhấn mạnh: "Về phạm vi bí mật nhà nước: quy định cụ thể những thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong từng lĩnh vực phải là những thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Nội dung điều luật này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu rà soát nội dung bí mật nhà nước tại 96 Danh mục bí mật nhà nước hiện hành trong các lĩnh vực của các cơ quan trung ương, các bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, nội dung Điều này đã được gửi xin ý kiến 39 bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức ở trung ương có liên quan trực tiếp đến việc lập danh mục bí mật nhà nước".

Cũng trong chiều nay, Quốc hội công bố Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đạt tỷ lệ tín nhiệm cao là 90,1%; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đạt tỷ lệ mức tín nhiệm cao 81,03%.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác