Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

(VOV5) - Ngày 2/11, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII bước sang tuần làm việc thứ ba với việc thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội - ảnh 1
Quốc hội sẽ danh 2 ngày để nghe các đại biểu góp ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2015 - 2016.


Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao thành quả kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2015. Đặc biệt tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự báo là 6,5%, mức cao nhất trong năm 2015, vượt kế hoạch đề ra trong năm 2015 là 6,2%. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định. Văn hoá, xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại hạn chế như chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp thiếu tính ổn định, sức cạnh tranh chưa cao. Ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, nêu ý kiến: “Tôi đề nghị Chính phủ phân tích sâu sắc hơn nữa những yếu tố chưa bền vững của nền kinh tế, nâng cao khả năng dự báo và hiệu quả phối hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trên cơ sở đó đề ra phương hướng, giải pháp hữu hiệu cho năm 2016. Cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương để tạo sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của địa phương, tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí.”

 

Các đại biểu Quốc hội đặc biệt lưu ý phát triển doanh nghiệp trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng:“Cần có những giải pháp để phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Đây là lực lượng nòng cốt phát triển kinh tế trong thời gian tới. Phấn đấu đưa doanh nghiệp Việt Nam trong 5 năm tới lên 2 triệu thay vì hiện nay chỉ 500 ngàn. Đồng thời xây dựng một số doanh nghiệp quy mô lớn có trình độ công nghệ tiên tiến có năng lực tổ chức và quản trị hiện đại ở mọi thành phần kinh tế chứ không phải chỉ tập trung ở các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước.”

 

Đối với vấn đề phân bổ nguồn nhân lực, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần xã hội hóa việc phân bổ các nguồn lực trừ những nguồn lực dành cho các lĩnh vực mà Nhà nước vẫn nắm chí phối, để mọi thành phần, mọi lực lượng trong xã hội đều có cơ hội tiếp cận với nguồn lực một cách bình đẳng và thuận lợi. Bên cạnh đó Chính phủ tập trung cải cách về thể chế, đặc biệt là xây dựng những thể chế mới phù hợp với yêu cầu của quá trình Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế.

 

Năm 2016, Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 6,7%.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác