Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(VOV5) - Chiều nay (15/11), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu từ các vùng miền trong cả nước nhân dịp kỷ nhiệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

60 thầy, cô giáo tham dự cuộc gặp mặt là những người đã có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước, đại diện cho 1,6 triệu thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 1Toàn cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: VOV

Phát biểu tại đây, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, phấn đấu, sự cống hiến của đội ngũ nhà giáo nói riêng và toàn hệ thống giáo dục và đào tạo nói chung cho sự nghiệp trồng người. Thủ tướng nhấn mạnh hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu; sự nghiệp giáo dục và đào tạo phải đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa, phải được xây dựng chất lượng và sáng tạo, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, để giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo; lắng nghe ý kiến của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là ý kiến của các đại biểu Quốc hội, để hoàn thiện Luật Nhà giáo, tạo sự đột phá về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo.

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mọi người, mọi nhà, mọi bậc phụ huynh... cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục và đào tạo, chung sức với các thầy cô giáo trong sự nghiệp “trồng người” để xây dựng thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác