Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Việt Nam coi Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu

(VOV5) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh một số phương hướng lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới phù hợp với khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc.

Hôm nay (15/10), tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp ông Chang Ho-jin, Cố vấn đặc biệt về Ngoại giao, An ninh của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Việt Nam coi Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu - ảnh 1Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp ngài Chang Ho-jin, Đặc phái viên, Cố vấn đặc biệt về Ngoại giao và An ninh của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tại cuộc tiếp, Cố vấn đặc biệt Chang Ho-jin khẳng định Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong quá trình triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, hòa bình, thịnh vượng và Sáng kiến đoàn kết Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Hàn Quốc; nhấn mạnh thông điệp của Tổng thống Hàn Quốc về việc mong muốn trở thành đối tác tin cậy, quan trọng của Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Bên cạnh hợp tác trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, Hàn Quốc mong muốn tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, trong đó có các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng; hai bên đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh và phối hợp trên các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam coi Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình; nhấn mạnh một số phương hướng lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới phù hợp với khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm và sẵn sàng đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về sự cần thiết của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác