Trưng cầu ý dân góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

(VOV5) - Các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013.


Chiều 23/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trưng cầu ý dân. Đây là dự án Luật quan trọng lần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Dự án Luật Trưng cầu ý dân do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo nhằm góp phần phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Luật này sẽ góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.


Trưng cầu ý dân góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk thảo luận tại tổ . Ảnh VGP/Lê Sơn


 
Các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa những việc mà Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân. Về phạm vi trưng cầu ý dân, bà Trần Hồng Thắm, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, cho rằng: Tôi tán thành với quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước để phù hợp với quy định của Hiến pháp. Tôi cũng cho rằng những vấn đề có ý nghĩa tầm cỡ quốc gia thì mới đưa ra để toàn dân quyết định còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân là phù hợp. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị trưng cầu ý dân sẽ tạo thêm một kênh thông tin quan trọng để Quốc hội xem xét quyết định vấn đề trưng cầu ý dân.

Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng việc xây dựng Luật cần đảm bảo việc kế thừa và phát triển, khẳng định những giá trị của dân chủ trực tiếp trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế, chính trị với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, các kinh nghiệm của các nước trên thế giới về xây dựng và thực hiện pháp luật về trưng cầu ý dân cần được nghiên cứu, tiếp thu một cách phù hợp.



Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác