(VOV5) - Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế có vai trò thiết yếu trong việc duy trì hòa bình ổn định và bảo vệ quyền con người.
Trong hai ngày 8-9/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Gabon, Ủy ban pháp lý Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 đã tổ chức cuộc họp với chủ đề “Pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế”.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Maria Fernanda Espinosa Garces phát biểu tại Khóa họp 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ ngày 21/9/2018 - Ảnh: THX/TTXVN |
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định pháp quyền ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế có vai trò thiết yếu trong việc duy trì hòa bình ổn định, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ quyền con người. Đại sứ cũng nhấn mạnh Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp, tăng cường pháp quyền và bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế, là một trong 10 nước phê chuẩn Hiệp ước Cấm Vũ khí hạt nhân sớm nhất vào tháng 5/2018.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại buổi thảo luận - Ảnh: Hữu Hoàng/TTXVN |
Trước đó, ngày 8/10, Ủy ban các vấn đề kinh tế và tài chính thuộc Đại Hội đồng Liên hợp quốc, có phiên thảo luận chung về các vấn đề thuộc chương trình làm việc của Ủy ban 2 tại Đại Hội đồng khóa 73. Tại phiên thảo luận chung, Đại sứ Phạm Thị Kim Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, khẳng định cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; kêu gọi các nước tiếp tục chung tay để huy động và tạo nguồn lực mới nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, đặc biệt là thông qua việc thực hiện cam kết về ODA, thúc đẩy và thuận lợi hóa thương mại; các nước phát triển cần đi đầu trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển trong lĩnh vực Khoa học-Công nghệ-Sáng tạo, nhất là trong chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực và chia trẻ tri thức. Đồng thời, Đại sứ Phạm Thị Kim Anh cũng kêu gọi các nước tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận Paris thông qua các biện pháp đồng bộ, sáng tạo, khắc phục khó khăn về tài chính cho biến đổi khí hậu.