Việc phê chuẩn EVFTA, EVIPA vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm

(VOV5) - Ngày 30/03/2020 vừa qua, Hội đồng châu Âu  đã phê duyệt Hiệp định EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và phía bên kia là Liên minh châu Âu và các nước thành viên (EVIPA).

Việc phê chuẩn EVFTA, EVIPA vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm - ảnh 1 ảnh minh họa: Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA - Ảnh: TTXVN

Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Ngày 30/03/2020 vừa qua, Hội đồng châu Âu  đã phê duyệt Hiệp định EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU. Vì vậy, EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.

Trong buổi họp Quốc hội sáng 20/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày tờ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Thảo luận về việc phê chuẩn EVFTA, chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội khẳng định, việc phê chuẩn Hiệp định gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc vào một thị trường nào, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế. Việc Việt Nam ký và phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần đánh giá các tác động của Hiệp định, tránh lệ thuộc, đề nghị quan tâm xây dựng hơn nữa nguồn nhân lực Việt Nam, quan tâm hơn đến tính công khai minh bạch về môi trường đầu tư, thời cơ và chủ động đối phó với thách thức lớn.

Về Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và phía bên kia là Liên minh châu Âu và các nước thành viên (EVIPA), các đại biểu cũng thể hiện sự nhất trí cao việc phê chuẩn Hiệp định quan trọng này.

Cũng liên quan đến văn kiện quốc tế, chiều 20/05, các đại biểu Quốc hội thảo luận việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đây là 1 trong 8 công ước cơ bản của ILO.

Giải trình với các đại biểu, Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: "Trước hết là xuất phát từ chính lợi ích của chúng ta vì đảm bảo quyền công dân, quyền con người và để thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là không chấp nhận lao động cưỡng bức. Thứ hai, trách nhiệm của thành viên Tổ chức lao động quốc tế. Việt Nam từ trước đến nay luôn luôn tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các cam kết quốc tế. Về cơ sở pháp lý, đến giờ này, chính phủ khẳng định cơ sở pháp lý của Việt Nam đầy đủ và hệ thống pháp luật Việt Nam hoàn toàn tương thích với các quy định của công ước 105. Và trên cơ sở đó, chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch và phân công, phân cấp thực hiện cụ thể với từng cấp, từng ngành."

Các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA, EVIPA cũng như Công ước 105 của ILO sẽ được ban soạn thảo tiếp thu đưa vào dự thảo Nghị quyết để phê chuẩn trong những ngày tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác