Bước tiến quan trọng trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Việc khẳng định quyền con người… lên vị trí thứ 2 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là bước tiến quan trọng.

Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được chính thức công bố để lấy ý kiến nhân dân. So với Hiến pháp hiện hành, Dự thảo lần này với 11 chương, 124 điều có nhiều sửa đổi, bổ sung và một số nội dung mới. Khẳng định quyền con người trong Hiến pháp, bổ sung thiết chế Hội đồng Hiến pháp, nêu rõ nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế… Đó là những bước tiến quan trọng trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo các đại biểu Quốc hội và chuyên gia luật pháp, việc khẳng định quyền con người và đưa chương về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” lên vị trí thứ 2 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là bước tiến quan trọng. Hiến pháp năm 1959, 1980 và Hiến pháp năm 1992 cũng có những quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhưng không tập trung trong 1 chương mà nằm rải rác ở nhiều chương. Điều này đã gây trở ngại cho việc theo dõi, nghiên cứu và thực hiện. Vì vậy, tại điều 44,45,46 của Dự thảo có nhiều điểm bổ sung về quyền và nghĩa vụ cơ bản mới của công dân cho phù hợp với sự phát triển và yêu cầu của xã hội hiện nay như: quyền được sống trong môi trường tự nhiên trong lành; quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa; nghĩa vụ bảo vệ môi trường.


Đồng thời, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định một cách trực tiếp theo công thức: “Mọi người có quyền…”, “Mọi người có nghĩa vụ…”. GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội cho rằng: “Tất cả những gì chúng ta cần làm phải quy về quyền và tự do cơ bản của công dân. Chúng ta tuyên bố là gì thì dân hỏi tôi đi học có mất tiền không, chữa bệnh có mất tiền không, Nhà nước đảm bảo được bao nhiêu trong chỗ đấy. Câu trả lời đó phải có trong Hiến pháp".

Một trong những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN đó là, quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện xuyên suốt tư tưởng về quyền dân chủ, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ và phát huy mạnh mẽ mọi khả năng sáng tạo. Dự thảo cũng ghi nhận và làm sâu sắc hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. So với Hiến pháp hiện hành, dự thảo cũng đưa ra quy định hoàn toàn mới về Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và bổ sung quy định về Kiểm toán nhà nước là 3 thiết chế độc lập, do Quốc hội thành lập.

Bước tiến quan trọng trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992  - ảnh 1
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là không quy định “kinh tế nhà nước giữ
vai trò chủ đạo” như trước.


Một điểm mới khác đáng chú ý trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là không quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” như trước. Dự thảo viết: “ Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp pháp, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ, quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng được khẳng định trong Cương lĩnh năm 2011 và Văn kiện Đại hội XI của Đảng.


Ông Đinh Dũng Sỹ nói: Trong quan điểm của Đảng, kể cả cương lĩnh và đường lối phát triển kinh tế xã hội của Đảng, trong các nghị quyết và văn kiện 11 đều rất rõ về sự công nhận sự tồn tại lâu dài cùng phát triển và bình đẳng của các thành phần kinh tế. Thậm chí trong Nghị quyết đại hội 11 còn khẳng định rất rõ kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế. Về mặt nguyên tắc là không còn giới hạn phân biệt từ mặt quan điểm cho đến các cơ chế, chính sách pháp lý không có sự phân biệt, không có sự bất bình đẳng. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng cùng phát triển trong cơ cấu kinh tế của nước ta./.

Minh Châm/VOV

Phản hồi

Các tin/bài khác