Chủ tịch nước: Cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhiều chiều để xây dựng Hiến pháp

(VOV5) - Chiều nay (27/3), tại Hà Nội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự.

Chủ tịch nước: Cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhiều chiều để xây dựng Hiến pháp - ảnh 1

(Ảnh: Vietnamnet)

Tại hội nghị lần này, các đại biểu nhân sĩ, trí thức luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo đã tiếp tục đóng góp ý kiến hết sức tâm huyết và trách nhiệm. Về vai trò Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính trị, một số đại biểu đề nghị, cần bổ sung quyền đại diện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vì vai trò đại diện nhân dân thực hiện các quyền dân chủ của Mặt trận Tổ quốc là rất quan trọng. Vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị và trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội là nội dung được một số đại biểu tập trung góp ý với mong muốn khẳng định và thể hiện rõ hơn nữa tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, phát triển đất nước.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Hiến pháp là văn bản pháp lý là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước; Hiến pháp phản ánh ý chí lợi ích của toàn dân tộc. Việc lấy ý kiến nhân dân nhằm tập hợp trí tuệ sâu rộng trong toàn dân, góp phần làm cho Hiến pháp phản ánh đầy đủ ý chí nguyện vọng của nhân dân. Thời gian qua, Đảng đã có nhiều Nghị quyết, chỉ thị, Quốc hội cũng có Nghị quyết, chủ trương lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến Pháp là hết sức rõ ràng, vấn đề là tổ chức thế nào cho thiết thực. Đây là vấn đề hệ trọng. Chủ Tịch nước nhấn mạnh: Chủ trương lấy ý kiến của toàn dân về vấn đề Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hết sức rõ ràng, đầy đủ và đã công bố mấy tháng nay trên các phiên tiện truyền thông đại chúng. Vấn đề bây giờ là chúng ta tổ chức như thế nào cho thiết thực và chúng ta lấy ý kiến là hết sức quan trọng và cần thiết, ai cũng hoan nghênh từ khâu lắng nghe đến khâu tổng hợp đến khâu chuyển tải đến cơ quan có trách nhiệm cao nhất cuối cùng làm sao phải hết sức đầy đủ.   


Chủ tịch nước cũng cho rằng, việc lấy ý kiến góp ý và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ tiếp tục thực hiện đến tháng 9/2013, do đó, mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân đóng góp ý kiến theo chức trách của mình và điều quan trọng nhất là Ban biên tập cần lắng nghe, tiếp thu nhiều chiều để xây dựng bản Hiến pháp thực sự đáp ứng nguyện vọng của Đảng và của nhân dân./.

Phản hồi

Các tin/bài khác