Đảm bảo dân chủ khi lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

(VOV5)- Ngày 3/1, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện việc tổ chức, lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đảm bảo dân chủ khi lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Huỳnh Đảm nêu ý kiến tại Hội nghị

Các đại biểu tham dự đóng góp nhiều ý kiến nhằm thống nhất và làm rõ, cụ thể hơn Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm đảm bảo hiệu quả, thiết thực, dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc. Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh trách nhiệm, quyết tâm của Mặt trận trong việc thực hiện nhiệm vụ vận động nhân dân tham gia góp ý kiến, trí tuệ, tâm huyết trong đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này.


Đảm bảo dân chủ khi lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - ảnh 2

Đại biểu Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hội Làng nghề Việt Nam phát biểu ý kiến


Theo kế hoạch, tháng 1/2003, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức các cuộc họp, hội thảo chuyên đề góp ý về các nội dung liên quan đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.


Từ nay đến tháng 3/2013, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì các hội nghị lấy ý kiến các Ủy viên Đoàn Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa VII); các vị trong Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các thời kỳ.

Đảm bảo dân chủ khi lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - ảnh 3

Các đại biểu tham gia nghiên cứu kế hoạch Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 2/1 đến 31/3 đã nhận được sự ủng hộ của dư luận. Thạc sỹ Nguyễn Thị Phượng, giảng viên trường Đại học Phú Yên, cho rằng việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là phát huy quyền làm chủ, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân: “Sửa đổi Hiến pháp 1992 thể hiện rất rõ quyền làm chủ của nhân dân. Sửa đổi Hiến pháp và những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia thì người dân được tham gia, được quyền tự do ngôn luận và thể hiện chính kiến của mình khi được nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý.”.


Ông Nguyễn Đức Dũng, Ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, cho biết trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, vấn đề tổ chức xây dựng chính quyền địa phương được ông chú ý hơn cả:“Chúng tôi quan tâm đến việc tổ chức  chính quyền địa phương như thế nào để đảm bảo mục tiêu quyền lực nhà nước được phân công phối hợp và có sự kiểm soát  quyền lực giữa các cơ quan trong  hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thứ 2 là chúng tôi quan tâm việc làm thế nào để phát huy tốt nhất quyền lực của nhân dân, thể hiện ý chí của người dân thông qua hệ thống pháp luật”./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác