Khẳng định rõ hơn trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc

 Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.


Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Nhà nước và của toàn dân. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh để bảo vệ Tổ quốc là vấn đề mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam, là ý chí nguyện vọng của nhân dân. Để phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã được xác định nhất quán trong Hiến pháp từ năm 1946 đến nay. Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp năm 1992) đã khẳng định rõ hiệu lực trên thực tế, phát huy vai trò to lớn của các tổ chức, công dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ XHCN, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được củng cố; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường…

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xác định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân, của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức, công dân. “Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”. Đây là sự cụ thể hóa đường lối bảo vệ Tổ quốc của Đảng trong tình hình mới, luật hóa ý chí nguyện vọng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN của nhân dân ta.

Thực tiễn chứng minh, xây dựng đi đôi với bảo vệ là quy luật phổ biến của cách mạng vô sản. Trong lịch sử dân tộc, dựng nước luôn đi đôi với giữ nước. Quy luật đó được hiện thực hóa bằng sức mạnh to lớn từ vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự thống nhất trong ý chí và hành động từ trung ương đến địa phương… Truyền thống “trăm họ là binh”, “cử quốc nghênh địch” đã tạo nên sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Từ xưa, ông cha ta luôn coi trọng nhiệm vụ giữ nước, lo giữ nước từ khi nước chưa nguy, “thái bình luôn gắng sức, non nước vững nghìn thu”.

Ngày nay, đất nước ta bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng hội nhập quốc tế cả bề rộng lẫn chiều sâu. Bên cạnh những thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước không ít những thách thức khó khăn. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Hiện nay, tình hình khu vực châu á - Thái Bình Dương, tình hình Biển Đông đang có những diễn biến khó lường, tác động không nhỏ đến cách mạng Việt Nam.

Trong nước, bên cạnh những thành tựu to lớn, chúng ta còn chịu những tác động không thuận chiều đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. “Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tiếp tục diễn biến phức tạp.

Thực tế đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải thường xuyên nêu cao cảnh giác cách mạng, nhất quán từ nhận thức, tình cảm, ý chí đến hành động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng, an ninh. Đây là vinh dự đồng thời là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, công dân.

Tư tưởng phát triển nổi bật của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là sự khẳng định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Với chức năng là cơ quan quyền lực cao nhất, Nhà nước có trách nhiệm củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang. Sự nghiệp quốc phòng bảo vệ Tổ quốc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự tham gia của toàn dân. Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân. Khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của toàn dân, cơ quan, tổ chức, công dân là cơ sở, điều kiện để xây dựng và huy động cao nhất mọi tiềm lực của đất nước cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Chính vì vậy, Hiến pháp sửa đổi là một bước tiến mới về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Theo TS Nguyễn Khắc Thanh/qdnd.vn

Phản hồi

Các tin/bài khác