(VOV5) - Việt Nam đã trở thành nước đứng đầu trong ASEAN về xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc thông qua đường sắt.
Hành lang thương mại đường bộ - đường biển quốc tế mới có thể vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến tận Trùng Khánh, Trung Quốc; đồng thời cũng có thể kết nối với các đoàn tàu chở hàng từ Trung Quốc đến Trung Á và Châu Âu.
Tuyến hành lang này không chỉ giúp giảm chi phí logistics, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế giữa các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, với Trung Quốc. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, từ đó mở ra cơ hội phát triển, kết nối hàng hóa, thị trường.
Chuyến tàu liên vận chở hàng hóa giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. |
Cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh là điểm khởi đầu của các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc đến Việt Nam với các sản phẩm như: máy móc, linh phụ kiện, thiết bị điện, cao su, ô tô, vật liệu xây dựng… Tại biên giới hai nước, việc phối hợp giữa các đơn vị liên kiểm như hải quan, Cục Quản lý xuất nhập cảnh diễn ra rất nhịp nhàng, nên nhiều nhất 2 ngày, hàng hóa sẽ được thông quan. Với sự thuận lợi như vậy, Việt Nam đã trở thành nước đứng đầu trong ASEAN về xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc thông qua đường sắt.
Ông Trần Trí Thông, Giám đốc Văn phòng tiếp thị, Trung tâm Vận tải hàng hóa, Công ty TNHH Tập đoàn đường sắt Nam Ninh Trung Quốc nhận định: "Năm nay vận chuyển bằng đường sắt đã phát triển rất nhanh. Số lượng chuyến tàu từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng 150%, điều này cho thấy nhu cầu từ cả 2 nước là rất lớn. Nói chung, vận chuyển đường sắt nhanh gọn, tiết kiệm nhất."
Theo ông Trần Trí Thông, hàng hóa từ các nước ASEAN có thể được vận chuyển đến Cảng Vịnh Bắc Bộ bằng đường biển và vận chuyển đến nhiều khu vực khác nhau của Trung Quốc thông qua các tuyến đường sắt, đường biển thuộc hành lang thương mại Đường bộ - Đường biển quốc tế mới.
Về đường sắt, thời gian vận chuyển của đoàn tàu Trung Quốc-Việt Nam từ ga Nam Nam Ninh đến ga Hà Nội (Việt Nam) chỉ là 14 giờ, đạt tiêu chuẩn “vận chuyển và thông quan trong cùng ngày”. Trong nửa đầu năm nay, các chuyến tàu Nam Ninh, Trung Quốc - Việt Nam đã vận chuyển 4.928 tấn, tăng 1.565% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng vận chuyển chiếm 74% lượng hàng container xuất khẩu bằng đường sắt Trung Quốc tới Việt Nam.
Về đường thủy, dự án Kênh đào Bình Lục khởi công từ năm 2022 được xem là “xương sống” trong hành lang thương mại Đường bộ - Đường biển quốc tế mới. Kênh đào Bình Lục bắt đầu từ cửa sông Bình Đường dọc theo sông Khâm Giang vào Vịnh Bắc Bộ, có tổng chiều dài 134,4km, thời gian thi công dự kiến là 54 tháng. Sau khi hoàn thành, Kênh đào sẽ cho phép tàu cỡ 5.000 tấn đi qua, mở ra kênh vận chuyện đường thủy với hiệu suất lớn, giá thành thấp, độ bao phủ rộng, từ đó thúc đẩy hợp tác kinh tế Trung Quốc với các nước ASEAN. Ngoài mục đích chính là phát triển vận tải đường thủy, kênh đào cũng sẽ cung cấp nước tưới, chống lũ, cải thiện môi trường sinh thái.
Đánh giá về lợi ích trong tương lai với Việt Nam, ông Viên Bằng, Phó trưởng phỏng Kỹ thuật, Tập đoàn Kênh đào Bình Lục cho biết: "Hiện nay, nếu muốn vận tải hàng hóa từ Trùng Khánh đến TP.HCM phải đi theo sông Trường Giang mất một tháng. Nhưng khi vận tải qua kênh đào Bình Lục, hàng hóa có thể trực tiếp đi từ Trùng Khánh đến Nam Ninh và ra Vịnh Bắc Bộ và đến Việt Nam. Thời gian sẽ giảm xuống chỉ còn 2 tuần."
Như vậy, hành lang thương mại Đường bộ - Đường biển quốc tế mới sẽ kết nối các loại hình vận tải đường bộ - đường sông – đường biển – đường sắt, tạo ra một vành đai phát triển giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Trong đó, do kết nối trực tiếp với biên giới Việt Nam, hành lang này có ý nghĩa thúc đẩy thông thương rất lớn giữa hai quốc gia. Ông Đoàn Bản Sinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Vận hành hành lang mới đường bộ - đường biển Trung Khánh, cho rằng: những hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đang rất sôi động. Trung Quốc nhập khẩu nông sản và xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm điện tử, máy móc.
Điểm cuối của Kênh đào Bình Lục là cảng Khâm Châu. |
Ngoài con đường vận tải trên biển (hàng hóa từ Trung Quốc đến cảng Hải Phòng, cảng tp.Hồ Chí Minh, cảng Đà Nẵng), còn có đường sắt và đường bộ xuyên biên giới. Ông Đoàn Bản Sinh cho biết: "Trước đây hàng hóa từ Trung Khánh có thể đến Việt Nam bằng đường biển là qua sông Trường Giang với quãng đường là 2.300km nhưng hiện nay, đối với hàng lang mới, nếu đi bằng cảng biển Khâm Châu (Quảng Tây) chỉ còn là 1.400 km. Việc sử dụng liên vận đường biển - đường sông có thể tiết kiệm một nửa thời gian, sử dụng liên vận đường sắt – đường bộ cộng thêm chính sách ưu đãi có thể giảm 30% chi phí vận tải. Thêm nữa, đây là những chuyến tàu nhanh, thời gian ngang bằng đường bộ nhưng giá thành chỉ còn một nửa. Ngoài ra, việc tối ưu hóa bằng sử dụng nền tảng kỹ thuật số để xử lý những vấn đề tài chính cũng có thể giảm giá thành khoảng 40%. Điều này có thể thúc đẩy thương mại xuyên biên giới Trung Quốc – Việt Nam, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khả năng tài chính còn hạn chế."
Việc liên thông giữa các tuyến vận tải đã tạo ra một hành lang để hàng hóa được thông thương một cách nhanh chóng, thuận lợi. Về phía Việt Nam, dự kiến cũng sẽ triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc. Đó là: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Có thể nói, trong các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc thì giao thông vận tải đang được xem là lĩnh vực đột phá, khả thi và mang tính biểu tượng, có ý nghĩa quan trọng để kết nối chiến lược hai nền kinh tế.