Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đổi mới để phát triển bền vững

(VOV5) - Nhiều doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đang củng cố nguồn lực, năng lực của mình, tìm hiểu nhu cầu thị trường trong năm 2014. 


Theo dự báo, tình hình kinh tế trong năm nay còn nhiều khó khăn, thị trường ảm đạm, trong khi sức mua chưa được cải thiện nhiều, việc tiếp cận vốn ngân hàng còn nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đang củng cố nguồn lực, năng lực của mình, tìm hiểu nhu cầu thị trường trong năm 2014, đồng thời đề ra các giải pháp phù hợp để phát triển. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Ra đời các đây 5 năm, đúng lúc bối cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt thời gian gần đầy, nhiêu doanh nghiệp da giày trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, song hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Giày Viễn Thịnh vẫn ổn định, đạt mức tăng trưởng 30% mỗi năm. Có được kết quả này do những năm qua là do công ty luôn coi việc phát triển thị trường trong nước là trọng tâm, mở rộng phát triển thị trường theo chiều sâu, nhất là phân khúc nông thôn, mới là hướng đi vững chắc cho doanh nghiệp. Xác định như vậy nên mỗi năm, Công ty Viễn Thịnh đầu tư hàng chục tỷ đồng để đổi mới dây chuyền công nghệ, tạo bước đột phá mới trong ngành hàng giày dép thời trang. Nhờ vậy mà đến nay, 80% sản phẩm giày dép với thương hiệu Vitco, Rich Ever, Hodono... của Viễn Thịnh đã được tiêu thụ rộng rãi từ các tỉnh, thành phố lớn đến những vùng nông thôn của cả nước. Ông Lâm Tùng Quân, Phó Giám đốc Công ty Giày Viễn Thịnh, cho biết: “Thị trường nội địa là một thị trường rất tiềm năng nhưng đòi hỏi mình phải đi sâu sát, tìm hiểu. Công ty Giày Viễn Thịnh là Công ty sản xuất giày  hàng Việt Nam chất lượng cao. Tất cả các dây chuyền công nghệ mình nhập từ nước ngoài cũng như con người thì cũng làm cho các doanh nghiệp nước ngoài mấy chục năm thì về đây sản xuất ra sản phẩm để phục vụ người Việt Nam vì mục đích muốn đưa hàng Việt Nam ngày một đi lên.” 

Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đổi mới để phát triển bền vững - ảnh 1
Phân xưởng sản xuất của Công ty Giày Viên Thịnh

 Hiện nay, mỗi doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đều tìm giải pháp riêng cho mình, trong có nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển dây truyền công nghệ sản xuất, cơ sở hạ tầng để phát triển thị trong nước. Đơn cử như Saigon Co.op, để vượt qua những khó khăn nhiều mặt của nền kinh tế trong thời gian qua, đơn vị này đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để phát triển mới các điểm bán, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ bình ổn thị trường của thành phố giao. Năm nay, Saigon Co.op vẫn tiếp tục tập trung vào hoạt động cốt lõi của mình đó là bán lẻ, đồng thời đẩy mạnh việc liên kết với các đơn vị trong nước từ chỗ cùng hợp tác, bỏ vốn hoặc mặt bằng chuyển sang một phương thức hợp tác sâu hơn, gắn chặt chẽ hơn để cùng phát huy thế mạnh và tồn tại lâu dài. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng đẩy mạnh đầu tư mạnh trong lĩnh vực logistics, trong đó quy hoạch lại mạng lưới nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu dự trữ và cung ứng hàng hóa cho các siêu thị và cửa hàng tiện ích. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Coop), cho biết:  
“Chúng tôi tiếp tục thực hiện chiến lược đa dạng hóa các loại hình kinh doanh, củng cố hoàn thiện concept và các mô hình kinh doanh mới mà chúng tôi đã phát triển ví dụ như mô hình đại siêu thị, mô hình khu phức hợp thương mại Sencity và các mô hình kinh doanh khác. Bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ tập trung, nâng cấp và đầu tư phát triển hệ thống logicstic.” 
Có một thực tế chung của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là còn hạn chế về vốn, năng lực quản trị doanh nghiệp và dây chuyền công nghệ, vì vậy mà sản phẩm làm ra chưa có tính cạnh tranh cao, không theo kịp thị trường, công tác quảng bá và bảo hộ thương hiệu còn yếu. Trong bối cảnh hiện nay nếu năng lực các doanh nghiệp chưa đủ mạnh thì các doanh nghiệp cùng ngành nghề nên có một đầu mối đứng ra xây dựng chuỗi liên kết các doanh nghiệp hỗ trợ cho nhau trong từng khâu trong sản xuất thì mới phát triển bền vững được. Còn nếu các doanh nghiệp không tạo nên tiềm lực thực sự và khả năng cạnh tranh lành mạnh ngay từ bây giờ thì đến năm 2015 khi hiệp định TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) được ký kết, các cam kết hòa nhập về thuế thực thi rồi thì sự cạnh tranh về thuế rất gay gắt.

Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đổi mới để phát triển bền vững - ảnh 2
Khách hàng mua sắm tại Co.opMart (Ảnh:NC)

 Cùng với những giải pháp hỗ trợ của thành phố, hiệp hội, thì giải pháp mà doanh nghiệp cần làm ngay trong lúc này phải đánh giá lại năng lực của mình để chọn ra một giải pháp riêng cho mình. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, cho biết:
“Chúng tôi thấy việc đầu tiên cần làm là doanh nghiệp phải tự xem xét lại mình, phải đánh giá thế mạnh của mình hiện nay là chỗ nào, cái gì là mạnh nhất và cái gì là yếu nhất. Từ đó chúng ta biết thị trường đang cần cái gì để chọn một giải pháp, chiến lược cho mình. Đặc biệt là phải chọn sản phẩm nào cho mình mà mang tính cạnh tranh được, bền vững được mà thị trường chấp nhận mà nó phù hợp với sức khỏe của mình, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mình thì cái đó mới là quan trọng nhất.”

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, từ nay đến năm 2015, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hết sức gay gắt khi Việt Nam gia nhập TPP. Khi đó, với việc thống nhất về thuế quan thì biểu thuế của các nước vào Việt Nam sẽ còn 0%, sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh bình đẳng theo quy luật kinh tế thị trường. Vì vậy, đây sẽ thực sự là một năm thách thức đổi mới hay không đổi mới với các doanh nghiệp. Ngay trong thời điểm này, ngoài việc tận dụng những chính sách ưu đãi của Nhà nước thì các doanh nghiệp phải quyết tâm tự tìm giải pháp xây dựng chiến lược riêng cho mình thì sẽ phát triển bền vững và hiệu quả./.

 

 


Phản hồi

Các tin/bài khác