Doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép giảm thuế hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN

(VOV5) - Cuối năm nay, cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, khi đó nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế suất về 0 đến 5%  và  chỉ còn chưa đầy 3 năm nữa, 97% hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ có mức thuế 0%. Điều này vừa tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra thách thức đối với doanh nghiệp trong nước. 

Doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép giảm thuế hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Theo lộ trình cam kết với ASEAN, Việt nam đã cắt giảm 72% tổng biểu thuế xuất nhập khẩu xuống thuế suất 0% tính đến năm 2014. Từ đầu năm nay Việt nam có 1.706 dòng thuế được cắt giảm còn 0%. Đến năm 2018, nhiều mặt hàng sẽ giảm xuống còn 0% như: ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng…Đây là cơ hội cho doanh nghiệp  gia công, chế biến phục vụ xuất khẩu khi giảm được chi phí nguyên liệu, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: "ASEAN tạo ra khu vực sản xuất chung như vậy cũng trùng hợp với trọng tâm của chúng ta, chúng ta đang muốn thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó để hợp tác phát triển kinh tế. Việc Cộng đồng ASEAN giảm thuế hình thành một thị trường chung tạo thuận lợi hóa thương mại, loại bỏ hàng rào phi thuế,  đây là điều có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta".


Việc cắt giảm sâu nhiều dòng thuế trong thời gian tới cũng đồng nghĩa với việc gia tăng sự hiện diện của hàng hóa các nước ASEAN tại Việt Nam, gia tăng sự cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước. Đây là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp trong nước. Ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng: "Việt Nam đang thực hiện chính sách thuế thành phẩm cao hơn thuế với nguyên vật liệu nhằm khuyến khích lắp ráp, sản xuất  trong nước. Tuy nhiên sắp tới theo lộ trình cam kết trong Hiệp định kể cả thuế thành phẩm hay nguyên vật liệu đều về 0%. Từ đó,  nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu sẽ gặp nhiều khó khăn. Cộng thêm vào đó quy mô của doanh nghiệp nước ta nhiều doanh nghiệp là nhỏ, hạn chế về tài chính, công nghệ và việc tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế".


Nhiều doanh nghiệp cho rằng: khi giảm thuế, hàng nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn sẽ rất nhiều, các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với sức ép cạnh tranh về chất lượng và giá thành. Ông Hồ Sỹ Trực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và sản xuất Hoàng Mai cho rằng: ngoài nỗ lực của mình thì sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng rất cần thiết: Theo ông Trực: "Hiện nay, cái khó của chúng ta hiện tại các doanh nghiệp trong khu vực họ đều có lịch sử phát triển lâu rồi, họ có uy tín và thương hiệu tương đối tốt. Chúng ta bây giờ muốn vươn ra các thị trường này thì cần có những bước đột phá. Tuy nhiên để làm được điều này cần có sự chung tay từ phía Chính phủ".


Để thực hiện lộ trình này, theo ông Võ Trí Thành,  Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: trước mắt doanh nghiệp cần nắm bắt đầy đủ cam kết về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình; Chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp trong ngắn và dài hạn, tận dụng cơ hội sẵn sàng tham gia vào một thị trường rộng lớn. Ông Võ Trí Thành, cho rằng: "Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ hãy dành nguồn lực tốt nhất, con người tốt nhất để nghiên cứu về thế giới xung quanh của doanh nghiệp, muốn cải tổ doanh nghiệp muốn xây dựng chiến lược phát triển thì quan trọng nhất phải hiểu biết về chính sách của nhà nước, pháp lý và cách thức hội nhập, cách thức sản xuất kinh doanh trước khi bắt tay vào chiến lược, xây dựng tầm nhìn, xu thế ngày nay doanh nghiệp phải cạnh tranh".


Với trên 600 triệu người tiêu dùng, tổng GDP trên 1.300 tỷ đô la/năm, cộng đồng kinh tế ASEAN được xem là khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Hiện các nước ASEAN là đối tác đứng thứ 2 cung cấp hàng hóa cho Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Vì vậy, để tận dụng lợi thế sân nhà và vươn ra các thị trường trong khu vực, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, giá thành, đảm bảo chất lượng hàng hóa. Có như vậy mới tạo sự chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác