(VOV5) - IMF mới đây dự báo trong năm nay, Việt Nam sẽ vượt Singapore và Malaysia để vươn lên vị trí thứ ba trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Dự luận nước ngoài đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh minh họa: VOV |
Thời gian qua, dư luận quốc tế tiếp tục có nhiều đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, nhận định Việt Nam có khả năng nổi lên như một nền kinh tế đầy triển vọng ở châu Á và đang có tốc độ tăng trưởng tốt hơn mức trung bình nhờ các yếu tố, như: chính sách điều hành hiệu quả; đầu tư trực tiếp nước ngoài cao; tiêu dùng nội địa và tầng lớp trung lưu gia tăng đáng kể; khả năng kết nối thị trường và lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực...
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây dự báo trong năm nay, Việt Nam sẽ vượt Singapore và Malaysia để vươn lên vị trí thứ ba trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Indonesia, Thái Lan về quy mô nền kinh tế. Đặc biệt, với tốc độ tăng GDP như hiện nay, Việt Nam được dự báo sẽ vượt Thái Lan để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á. IMF lý giải: việc điều hành khéo léo các biến số quan trọng của chính sách kinh tế vĩ mô, như: lạm phát, GDP, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, tăng việc làm để chống lại các xu hướng bất lợi phát sinh từ đại dịch Covid-19 góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính (fintech) của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển và trở thành lĩnh vực đầu tư hấp dẫn. Hãng McKinsey and Company dự báo thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có thể lớn ngang ngành bán lẻ truyền thống vào năm 2025.
Còn theo bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế của Quỹ Di sản - Heritage Foundation năm 2023 vừa công bố, chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam là 61,8, xếp thứ 72, tăng 1,2 điểm so với năm ngoái. Nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 14 trong số 39 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tổng điểm của Việt Nam cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.